>> Thị trường thực phẩm sạch (1): Khủng hoảng niềm tin vào chất lượng thực phẩm
>> Người tiêu dùng Việt đang mua hàng bằng... niềm tin
Với từ khóa “thực phẩm sạch”, trong chưa đầy 1s người tiêu dùng đã có thể tìm tới trên 600.000 kết quả trên internet. Tuy nhiên, có tới hơn 90% trong số đó là tin tức quảng cáo của các cửa hàng thực phẩm trong khi những quy chuẩn, việc quản lý và giám sát quy trình sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm sạch lại rất khó tìm.
Nhập nhèm các loại thực phẩm
Trước tâm lý không tiếc tiền để được ăn sạch, ăn ngon đang ngày càng tăng cao của người tiêu dùng, nhiều “cửa hàng thực phẩm sạch” liên tục được mở khắp các khu dân cư, đặc biệt là những khu đô thị mới, các khu chung cư cao cấp tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng có thu nhập khá trở lên.
Khảo sát nhanh một số cửa hàng thực phẩm có tên tuổi trên địa bàn Hà Nội như Bác Tôm, Clever Food hay Orfarm, phóng viên nhận thấy nhiều thực phẩm đang được bày bán với 2 - 3 hoặc hơn thế nữa các loại tem mác thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ.
Tại cửa hàng Nông sản ngon (224B Hoàng Ngân, Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên ghi nhận có rất nhiều loại giấy chứng nhận được treo trang trọng tại cửa hàng như Chứng nhận Hữu cơ PGS của Hệ thống Đảm bảo cùng tham gia Việt Nam (PGS), Chứng nhận VietGap, Chứng nhận Đủ điệu kiện an toàn thực phẩm của Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế,…
Theo giải thích của nhân viên cửa hàng, do các sản phẩm tại đây được lấy từ nhiều nguồn khác nhau với các nguồn gốc, xuất xứ khác nhau nên mới có nhiều loại giấy chứng nhận khác nhau và mỗi loại giấy chứng nhận được trao cho một cá nhân/đơn vị sản xuất, kinh doanh khác nhau.
Tuy nhiên, tại cửa hàng còn có rất nhiều mặt hàng hoa quả, rau củ không có tem mác được để xen lẫn rau củ được đóng gói đầy đủ bao bì.
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì nhân viên bán hàng cho hay tất cả đều là rau quả có nguồn gốc đã được chứng nhận, nhập từ các nông trại đạt tiêu chuẩn nhưng không rõ là tiêu chuẩn gì?!
Lựa chọn bằng…. niềm tin
Báo cáo công bố hồi cuối tháng 4 vừa qua của Nielsen cho thấy một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt chính là niềm tin vào thương hiệu. Theo đó, đang có tới 75% người dùng mua sản phẩm của một thương hiệu bởi sự tin tưởng thay vì chất lượng thật của sản phẩm.
Quả thực vậy, giữa một rừng tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ như hiện nay nhưng vẫn thiếu vắng sự quản lý sát sao của cơ quan có thẩm quyền thì phần lớn người tiêu dùng đang phó mặc cho số phận cho người bán vì họ hầu như không có căn cứ gì để kiểm chứng.
Ví dụ như trường hợp của chị Ngọc Quỳnh (Hàm Long, Hà Nội), chị lựa chọn sản phẩm của thương hiệu Sói Biển bởi sự uy tín, lâu năm của thương hiệu, thêm vào đó là những giấy chứng nhận, tem mác đảm bảo an toàn trên thực phẩm.
Nhưng khi hỏi về chất lượng của thực phẩm, chị Quỳnh cho hay: "Mình chỉ tin khoảng 70% vào sản phẩm, lời quảng cáo của cửa hàng vì mình đâu có giám sát được toàn bộ quy trình chăn nuôi sản xuất đến giết mổ và phân phối của người ta đâu".
Đồng quan điểm với chị Quỳnh, một người tiêu dùng khác là chị Thu Uyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chị thường mua thực phẩm ở các cửa hàng thực phẩm sạch, có tên tuổi như Cleverfood, Donavi, Greenlife hay Orfarm. Tuy nhiên, chị cũng không hoàn toàn yên tâm mà đôi lúc vẫn phải phó thác vào lương tâm kinh doanh của các cửa hàng.
Tiêu chuẩn thực phẩm sạch, an toàn tại Việt Nam hiện rất nhiều nhưng phần lớn người tiêu dùng lại đang mua hàng bằng... niềm tin và chất lượng thực sự của thực phẩm Việt vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Mơ hồ về “thực phẩm sạch”
Nhận định về thực phẩm sạch, ông Vũ Thế Thành, Chuyên gia Quản trị Chất lượng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng trên thế giới không có khái niệm thực phẩm sạch mà chỉ có thực phẩm lành mạnh vì sản phẩm ra thị trường phải tuân thủ quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm.
Chỉ ở Việt Nam mới có khái niệm thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn, trong đó thực phẩm sạch được hiểu là tuân thủ những quy định về an toàn và vệ sinh.
Hiện trên thế giới và cả Việt Nam đang áp dụng một số bộ tiêu chuẩn cho thực phẩm an toàn như: Tiêu chuẩn GAP (đối với Việt Nam là tiêu chuẩn VietGap), Tiêu chuẩn ISO 14001, Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ, Tiêu chuẩn HACCP, Công nghệ vi sinh hữu hiệu EM Nhật Bản,...
Trong đó, tiêu chuẩn VietGap được coi là cơ sở đánh giá khá quan trọng đối với các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, bất chấp các quy định chặt chẽ của bộ Tiêu chuẩn này thì việc giám sát thực còn lỏng lẻo đã dẫn tới tình trạng mua bán các loại chứng nhận, chứng chỉ khiến niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay nghiêm trọng.
Đơn cử như việc một nhân viên kinh doanh - tự giới thiệu là của CTCP Chứng nhận và Giám định VinaCert "mời chào" khách hàng mua giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với giá 90 triệu đồng để được “nới lỏng” các quy định cấp giấy chứng nhận và giảm thời gian xem xét cấp chứng nhận từ 3, 4 tháng xuống chỉ còn 1,5 tháng.
Mới gần đây, tại cửa hàng Bảo Châu (Phủ Lý, Hà Nam) có gắn biển thực phẩm sạch, cơ quan chức năng đã tịch thu 36kg thịt đông lạnh tươi sống đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được bày bán cho khách.
Hàng loạt thực phẩm không nhãn mác hay không có tem phụ tại cửa hàng chuyên bán đồ đông lạnh Định Hơn (số 12, đường Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nam) bị phát giác lại càng khiến người tiêu mất đi niềm tin vào các loại chứng nhận, tiêu chuẩn..
Trong khi đó, việc quản lý thị trường thực phẩm lại vừa thừa vừa thiếu khi các quy định thì chồng chéo nhưng người chịu trách nhiệm thực sự thì không thấy đâu.
Đơn cử, thị trường thực phẩm hiện đang chịu sự quản lý của ít nhất 5 bộ ngành, bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài nguyên & Môi trường. Tuy nhiên khi có sự vụ hoặc báo cáo tình hình quản lý thị trường này thì các cơ quan chức năng đều tìm cách đùn đẩy trách nhiệm với lý do khá cũ kỹ là cơ chế quản lý đặc thù hoặc không thuộc thẩm quyền của cơ quan mình.
Chính vì vậy, nếu muốn đi tìm “thực phẩm sạch”, người tiêu dùng sẽ buộc lòng phải tự đưa ra những tiêu chuẩn cho chính mình và tìm kiếm thực phẩm theo các tiêu chuẩn ấy.
Một số tiêu chuẩn thực phẩm an toàn đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam: 1. Tiêu chuẩn VietGap: Thực phẩm khi thu hoạch phải đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc gây ô nhiễm vật lý đồng thời dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 2. Tiêu chuẩn GlobalGap: Thực phẩm được nuôi trồng từ nguồn đất, nước sạch, đảm bảo an toàn, giống cây trồng, phải là giống sạch bệnh; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng. 3. Tiêu chuẩn hữu cơ: Thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ, không phân bón hóa học, không hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, không chất kích thích tăng trưởng, không hóa chất gây biến đổi gien. 4. Tiêu chuẩn HACCP: Là một hệ thống tiêu chuẩn giúp xác định và đánh giá mối nguy hại, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và xây dựng một hệ thống giám sát an toàn thực phẩm. |