Thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids là khi nào?

Trên các trang mạng, diễn đàn, fanpage... về thiên văn học, các bài đăng và chia sẻ về mưa sao băng Perseids đều đón nhận được một lượng quan tâm đáng kể. Họ hẹn nhau nhất định phải thức xem bằng được không thể bỏ lỡ cơn mưa sao băng lớn nhất trong năm này.

Quan sát tốt nhất luôn là từ sau nửa đêm tới rạng sáng

Quan sát tốt nhất luôn là từ sau nửa đêm tới rạng sáng.

Mưa sao băng Perseids có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi 109P/Swift-Tuttle để lại trên quỹ đạo trái đất. Hàng năm, hiện tượng này xảy ra khi trái đất đi tới vùng quỹ đạo chứa những mảnh vụn này. Thông thường toàn bộ hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 17/7 - 24/8 với cực điểm vào rạng sáng 12, 13 và 14/8, được quan sát thấy ở khu vực của chòm sao Perseus, do đó có tên là mưa sao băng Perseids.

Đây được coi là trận mưa sao băng lớn nhất có định kỳ hàng năm với mật độ khi cực điểm vào khoảng 50 đến 100 sao băng mỗi giờ. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần điều kiện thời tiết và khí quyển cho phép thì đều có thể quan sát được.

Để quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, các bạn yêu thích thiên văn học hãy hướng mắt nhìn về bầu trời phía đông bắc và tìm chòm sao Perseus vào khoảng sau 1h sáng ngày 13/8.

Một số kinh nghiệm khi quan sát mưa sao băng

- Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng nhưng điều kiện quan sát và thời tiết ở mỗi nơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quan sát được các sao băng nhiều hay ít.

- Quan sát mưa sao băng là một hoạt động mà bạn chỉ cần dùng mắt thường mà thôi. Bởi các sao băng di chuyển với vận tốc quá nhanh (vài chục km/s) để có thể được quan sát và theo dõi qua kính thiên văn hay thậm chí là cả ống nhòm.

- Không cần thiết bạn phải xác định tâm điểm xuất phát của trận mưa sao băng này nằm ở đâu, bởi các sao băng có thể được quan sát ở bất cứ đâu trên bầu trời khi nó xuất hiện.

Đừng hiểu nhầm tâm điểm ở chòm Perseus có nghĩa là sao băng chỉ bay từ đó ra, nó có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy đường kéo dài hướng bay của sao băng có vẻ chụm lại ở chòm Perseus.

Hãy nhìn bao quát cả vùng trời xung quanh tâm điểm của sao băng (Đối với trận mưa sao băng Perseids này, đó là vùng trời phía Đông Bắc lên đến đỉnh đầu khi quan sát vào rạng sáng) Điều quan trọng nhất chỉ là bạn phải chờ tới khi tâm điểm này lên cao hơn so với chân trời mà thôi.

- Bạn sẽ thấy nhiều sao băng hơn sau nửa đêm bởi vì do chuyển động của Trái đất chúng ta. Hãy chắc rằng bạn đã bảo vệ mắt của mình khỏi ánh sáng trực tiếp (tránh nhìn ánh sáng trực tiếp) và để cho nó có nhiều thời gian để có thể thích ứng bóng tối, ít nhất là 20 phút trước khi bắt tay vào quan sát bạn nhé.

- Quan trọng nhất là điều kiện thời tiết, trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng bạn nhé!

Nếu thời điểm hiện tại có nhiều mây, đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường. Ánh sáng của trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng bạn có thể thấy được số lượng các sao băng hơn rất nhiều lần nếu quan sát ở thành phố.

- Tính kiên trì cũng không kém quan trọng! Mưa sao băng không có nghĩa là “sao bay như mưa”, ở một trận lớn như Perseids này thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau 1 đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng có lúc chúng xuất hiện liên tục 2-3 cái.

- Do từ 1h sáng trở đi vị trí chòm Perseus cùng “vùng trời sao băng” sẽ lên khá cao gần trên chân trời Đông Bắc nên việc đứng quan sát sẽ làm cổ bạn rất mỏi. Cách tốt nhất để quan sát chúng là bạn phải mặc đủ ấm và nằm ngả lưng trên một ghế võng hay một chiếc ghế dài (trường kỷ) để có thể có một tầm nhìn rộng và bao quát nhất có thể lên bầu trời đêm.

- Quan sát sao băng kéo dài cả đêm, do đó các bạn cần lưu ý: cần mặc áo ấm và đội mũ để tránh sương. Nếu trời có mây nhiều và mưa thì không nên tiếp tục quan sát để giữ gìn sức khỏe.

Một vệt sao từ trận mưa sao băng Perseids - Ảnh: theguardian.com

Một vệt sao từ trận mưa sao băng Perseids - Ảnh: theguardian.com

Lưu ý quan trọng

Quan sát tốt nhất luôn là từ sau nửa đêm tới rạng sáng

Trái Đất vừa quay lại vừa chuyển động quanh Mặt Trời. Phần bán cầu đang là buổi sáng của Trái Đất chuyển động quay ngược hướng với hướng chuyển động quanh mặt trời.

Trước nửa đêm chúng ta ở phía sau của con tàu Trái Đất, qua nửa đêm thì lại ở hướng thẳng tiến về phía trước. Khi lao vào đám bụi thiên thạch phần phía trước sẽ "lãnh đạn" nhiều hơn phía sau. Theo một tài liệu thống kê thì vào các đêm mật độ quan sát được sao băng từ sau nửa đêm sẽ lớn hơn gấp hơn 4 lần trước đó.

Bạn có thể đôi lúc không thấy sao băng nào, nhưng hãy kiên nhẫn và sao băng sẽ xuất hiện. Các sao băng thường xuất hiện theo nhóm, do vậy nếu bạn đã thấy 1 sao băng, sẽ tập trung nhìn vào toàn bộ vùng trời một cách tập trung và cẩn thận hơn.

Nếu bạn chưa bao giờ thấy sao băng trước đó, bạn có thể nghĩ là bạn đang “nhìn một cái gì đó” trước, bởi vì chúng thường di chuyển rất nhanh, và biến mất trước khi bạn đưa mắt vào chúng.

Tâm điểm chưa xuất hiện thì không nên xem

Mỗi trận mưa sao băng, khi kéo dài các tia sao băng dường có chung 1 điểm xuất phát, điểm này ở gần chòm sao nào thì người ta lấy tên chòm sao đó cho mưa sao băng ví dụ Leonids – Leo (Sư Tử), Perseids - Perseus (Anh Tiên). Khi tâm điểm này càng cao khỏi chân trời bao nhiêu thì các sao băng xuất hiện càng nhiều, thời điểm quan sát lý tưởng nhất là khi tâm điểm ở đỉnh đầu.

Ví dụ như mưa sao băng Perseids tuy có thể tâm điểm bắt đầu xuất hiện ở chân trời sau nửa đêm, nhưng đến khoảng chừng sau 2h sáng nó mới đủ cao để xuất hiện nhiều sao băng. Tuy nhiên cần lưu ý, quan sát sao băng không nên chỉ chú tâm vào tâm điểm mà phải đưa mắt bao quát cả vùng trời xung quanh nó. Một số trận sao băng lớn khi tâm điểm sắp mọc hoặc còn thấp ở chân trời vẫn có thể xem được nhiều sao băng.

Cực điểm mới đáng giá

Mỗi trận mưa sao băng đều có 1 thời gian cực điểm kéo dài khoảng 1-2 tiếng. Đây là lúc Trái Đất đi vào vùng bụi mật độ cao, và nếu quan sát được vào thời điểm này có thể mới thực sự gọi là mưa sao băng, khi có vài chục thậm chí vài trăm sao băng xuất hiện trong thời gian cực điểm.

Thời gian cực điểm của mỗi trận mưa sao băng thường được dự báo với sai số khoảng vài tiếng, các bạn có thể tra cứu trên trang imo.net.

Các trận mưa sao có thể có 1 cực điểm chính và nhiều cực điểm phụ. Tuy nhiên, không phải trận mưa nào những người quan sát đều có dịp quan sát vào lúc cực điểm thật sự. Và cũng có lúc thời gian cực điểm lại không xem được ở VN không những do ban ngày mà còn do thời điểm đó tâm điểm mưa sao băng vẫn chưa xuất hiện./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online