Theo thông tin mới nhất trên Báo Sức khỏe & Đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây trên một số báo đã đăng tải thông tin về hoạt chất Salbutamol. Theo đó, các báo trích dẫn: “Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về VN.

Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định“.

Tuy nhiên Bộ Y tế khẳng định thông tin này chưa chính xác.

Bộ Y tế khẳng định, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5.215kg chất salbutamol. Năm 2014 nhập  về 3.876kg chất salbutamol chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9.140kg salbutamol như thông tin  đã đăng tải trên một số báo thời gian qua.

Bộ Y tế cũng khẳng định, thông tin “chỉ 10kg chất salbutamol trong số thuốc này được nhập về Việt Nam được sử dụng đúng quy định” như đã đăng tải trên một số báo là hoàn toàn không có cơ sở.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay.

Chất tạo nạc là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Chất tạo nạc là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Các thuốc thành phẩm chứa hoạt chất Salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.

Nguyên liệu Salbutamol, thuốc chứa Salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế, tuy nhiên chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Vì vậy việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol làm thuốc được ngành y tế thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010.

Theo quy định của Thông tư này trừ các chất phải kiểm soát đặc biệt (là các chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất và chất phóng xạ) thì các nguyên liệu làm thuốc khác (trong đó có Salbutamol) được xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân.

Salbutamol bị nghi ngờ được sử dụng để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Salbutamol bị nghi ngờ được sử dụng để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Bộ Y tế cho hay, ngày 04/09/2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó có Salbutamol.

Trong khi đó, về thông tư này Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi ban hành để phối hợp quản lý.

Nhưng ngay khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc nguyên liệu Salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để kiểm soát việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích; Nỗ lực triển khai công tác rà soát, kiểm tra, kiểm soát và chấn chỉnh công tác quản lý đã thu được những kết quả tích cực được Ban chỉ đạo 389 ghi nhận.

“Cụ thể ngày 20/11/2015 Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản số 21590/QLD-KD thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49, để thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol”, công văn trả lời.

Về kết quả triển khai công tác hậu kiểm các cơ sở nhập khẩu Salbutamol (10 cơ sở, trong đó Cục Quản lý Dược phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra tại 06 cơ sở) trong khoảng thời gian từ 04/12/2015 đến 30/12/2015, Bộ Y tế cho biết: Phát hiện 04 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

Đã xử lý quyết liệt các đơn vị vi phạm với chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật: Ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm; chuyển 03 trường hợp vi phạm để C49 tiếp tục làm rõ, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an (C49) Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông, Công ty CP dược Minh Hải, Công ty TNHH hóa dược Minh Anh.

Tuy nhiên, sau khi xem xét tài liệu, hồ sơ, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công An (C49) đã có các Công văn gửi Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế thông báo chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2009 và đề Cục Quản lý Dược đề nghị xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông và Công ty CP Dược Minh Hải (các Công văn số 75/CV-C49((P5) ngày 19/01/2016 và số 109/CV-C49(P5) ngày 26/01/2016).

Bộ Y tế cho biết, đã đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt". Nội dung này đã được Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 11./.

Cách nhận biết thịt lợn có chứa chất tạo nạc

Theo các chuyên gia nông nghiệp, lợn nếu được nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong. Khi chọn thịt cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm).

Khi thái thịt nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc. Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc.

Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Bên cạnh các loại thịt lợn có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, một vài nguyên tắc chung sau đây có thể giúp người tiêu dùng chọn lựa thịt lợn an toàn hơn, nhất là trong ngày tết.

Để chọn được các loại thịt an toàn, nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.

Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam