Đến dự còn có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và nhân dân Thủ đô.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý tưởng, sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Kon Tum trong việc đưa di sản văn hóa tiêu biểu của Kon Tum cùng sản vật tinh hoa - sâm Ngọc Linh, một quốc bảo của Việt Nam, ra trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngay trong những ngày đầu năm 2019.
Theo Thủ tướng, Kon Tum là xứ sở của đại ngàn, vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có vị trí địa chính trị quan trọng của vùng đất cao nguyên năng động, giàu tiềm năng, một bộ phận cấu thành của Tây Nguyên và Tổ quốc Việt Nam.
Kon Tum không chỉ giàu bản sắc văn hóa mà còn phong phú về tài nguyên thiên nhiên, là nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm, đặc biệt là sản vật sâm Ngọc Linh, một trong những dược liệu quý, đặc hữu của Việt Nam, một trong những loài sâm tốt nhất thế giới, ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn đồng thời là cơ hội để khẳng định bản sắc, tinh thần dân tộc chúng ta trong kỷ nguyên hội nhập, toàn cầu hóa. Thủ tướng tin tưởng rằng giá trị văn hóa đặc sắc, sự trù phù của vùng đất, sự ưu ái của thiên nhiên là thế mạnh để tương lai gần Kon Tum sẽ trở thành một điểm sáng về sản phẩm du lịch sinh thái văn hóa, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
Triển lãm này là cơ hội tốt để giới thiệu về lịch sử văn hóa, thiên nhiên của Kon Tum thông qua các tài liệu, hiện vật giá trị nhưng chưa được khai thác, phát huy và chưa được đông đảo công chúng trong và ngoài nước biết đến.
Thủ tướng tin tưởng và kỳ vọng rằng sâm Ngọc Linh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng, đưa Kon Tum, đưa Quảng Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn về địa lý cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Việt Nam mang tầm quốc tế.
Thủ tướng đánh giá, Triển lãm bước đầu thể hiện được sự đổi mới hoạt động của bảo tàng với nội dung và hình thức sinh động kết hợp ứng dụng công nghệ mới, tạo được tính hấp dẫn và có khả năng thu hút khách tham quan.
Nhân đây, Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chuyển biến mạnh mẽ hệ thống bảo tàng Việt Nam trong sự nghiệp phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bình diện quốc tế, trực tiếp đóng góp vào phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
*Sáng 20/1, tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam nhân dự triển lãm “Di sản Văn hóa và sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” Thủ tướng bày tỏ, không có nơi nào đắc địa hơn Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức Triển lãm về sâm Ngọc Linh; không có nơi nào đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc xen lẫn niềm tự hào thiêng liêng về cội nguồn văn hóa lịch sử dân tộc 4.000 năm văn hiến như tòa nhà bảo tàng quốc gia này.
Thủ tướng tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: VGP
Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở vì lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta. Theo Thủ tướng, nếu không thay đổi thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia.
Nhấn mạnh cần xây dựng sự kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc Thủ tướng cho rằng, muốn học sinh, sinh viên chúng ta yêu lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn.
“Đó là điều đầu tiên phải làm và đây không phải là trách nhiệm đơn phương của ngành giáo dục, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Hà Nội, của ngành điện ảnh và của chính Bảo tàng chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ.