Là sự thực hay chỉ là tin đồn ác ý?
Trên mạng xã hội Facebook gần đây liên tục chia sẻ thông tin ngô khoai được luộc bằng bột thông cống, thông tắc bồn cầu... khiến ngô khoai nhanh chín, giá rẻ và không tốn công sức. Thậm chí có một số người đã thí nghiệm và chụp ảnh để chứng minh khiến người tiêu dùng hoang mang và tẩy chay toàn bộ ngô khoai luộc đang được bán tại các đường phố, gánh hàng rong ... tại Hà Nội.
Tuy nhiên, theo khẳng định của chuyên gia thì bột thông tẩy bể phốt không có khả làm chín nhanh ngô khoai luộc. Lý do là bởi loại bột này chỉ chạm được đến ngưỡng 60, 70 độ C để làm nóng ống cống, bồn cầu. Nhưng nhiệt độ trong nồi luộc để có thể làm cho ngô, khoai, lạc chín đòi hỏi nước phải sôi rất lâu và cao hơn cả trăm độ.
Bên cạnh khẳng định của chuyên gia, thì chính những người buôn bán ngô khoai cũng khẳng định không hề có chuyện này. Trên trang cá nhân, người dùng Facebook nickname Tan Tran đã viết một bức tâm thư vô cùng cảm động gửi đến người tiêu dùng:
“Hôm qua tới giờ đọc được một vài bài các bạn viết về ngô và khoai bán ở Hà Nội là luộc bằng bột tẩy bồn cầu. Thật đau xót và nghẹn lòng!
Nếu các bạn không chứng kiến thực tế mà chỉ nghe nói và tự mình đi mua về làm thí nghiệm thì đừng to giọng đổ vấy cho tất cả những người bán ngô đều luộc ngô bằng bột bể phốt!
Hàng đêm cứ 2h30 sáng nơi làng tôi đang sống hình như nhà nào cũng có chuông báo thức gọi dậy, nhà nhà người người - những người bố người mẹ, nông dân lam lũ lại mắt nhắm mắt mở dậy, chồng nhóm bếp vợ lấy nước cho đường đỏ vào nồi ngô và khi bếp đỏ thì cùng nhau khênh lên. Lửa vẫn cháy - lò vẫn thổi, họ lại tranh thủ ngủ một lúc tầm 1 tiếng thì dậy cho nốt vài ba cân khoai vào hấp trên nồi ngô, xong thì lại tranh thủ chợp mắt 15 phút và dậy chuẩn bị xe cộ để sau 1 tiếng nữa thì vớt ngô khoai ra.
4h30p sáng thì tắt bếp vớt ngô cho vào túi bóng to để giữ nóng được lâu, họ bán đến trưa ngô vẫn còn ấm nóng và không bị thiu. Bên ngoài lồng thêm bao tải dứa để dễ vận chuyển, an toàn và sạch sẽ.
Quá trình để có được tải ngô khoai bán ở Hà Nội cho các bạn ăn sáng tiết kiệm mà vẫn đủ dinh dưỡng cho bữa sáng bữa phụ là thế đấy. Bạn nào còn không tin mình xin tình nguyện hướng dẫn 1 ngày tham quan các làng sống bằng nghề bán ngô.
Ngày trước bán ngô bán khoai còn đắt hàng, mẹ đi chợ về còn mua cho con đồng quà tấm bánh. Giờ mẹ đi chợ về bao giờ cũng than “Ế quá! chả ma nào mua", và món quà bánh được thay vào bằng củ khoai bắp ngô ế mẹ mang về! Thương cho lũ trẻ con!
Các bạn chia sẻ bài viết như thế có nghĩa là các bạn đang góp thêm 1 tay bóp nghẹt cuộc sống của những người sống bằng nghề bán bắp ngô củ khoai. Sống ở đây, tiếp cận công việc của người dân nơi đây, khi đọc được bài chia sẻ của bạn lúc đầu mình thấy tức điên lên được. Vì đó là vu khống, vì đó là bài viết thiếu thực tế. Không biết sau hàng nghìn lượt share trên cộng đồng mạng như thế này thì người nông dân quanh năm ruộng đồng với ngô khoai, sáng bán ngô chiều làm bãi thì họ sẽ sống ra sao? Khó khăn lại chồng chất khó khăn”.
Nhìn lại những tin đồn ác ý tương tự đã từng xảy ra
Lâu nay, chúng ta cố gắng xây dựng một cơ chế để bảo vệ lợi ích, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, chúng ta lại thiếu cơ chế để bảo vệ cho lợi ích chính đáng của người sản xuất cũng như cách xử lý nguồn phát thông tin sai lệch ấy.
Trong bối cảnh mọi tin đồn đều có thể lan tràn theo cách không thể kiểm soát thông qua mạng xã hội, chỉ một dòng tin tứcvô thưởng vô phạt xuất phát từ ai đó cũng có thể khiến cho hàng nghìn người lâm vào cảnh khốn đốn vì sản phẩm bị tẩy chay.
Người tung tin luộc ngô bằng bột thông tắc bồn cầu chỉ việc đóng trang cá nhân của mình, còn cuộc sống của hàng trăm gia đình sau đó ra sao thì… không liên quan.
Tương tự như sự việc lần này, cuối năm 2013, tin đồn thất thiệt về các cơ sở luộc bắp (ngô) ở Hội An dùng pin kẽm, muối diêm và các hóa chất độc hại để luộc bắp nhằm tạo màu và giữ cho bắp lâu hư gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tin đồn này rộ lên sát những ngày Tết Nguyên Đán khiến người tiêu dùng không dám mua bắp luộc nữa. Vậy là cả một vùng đất trải qua cái Tết nghèo khó. Họ đâu thể ăn bắp thay cơm trong cả dịp Tết?
Nông dân đồng bằng sông Cửa Long từng chịu thiệt hại nặng nề vì tin đồn người trồng dưa sử dụng hóa chất Trung Quốc để dưa lớn trái, ngọt hơn bình thường. Tin đồn ác ý xuất hiện khiến giá dưa bán tại ruộng từ 3.000-4.000 đồng/kg rớt xuống còn 1.000-1.500 đồng/kg nhưng vẫn chẳng bán nổi vì thương lái không đến mua.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận thông tin này bịa đặt, thì hàng trăm, hàng nghìn người trồng dưa đã phải sống trong cảnh khốn đốn vì dưa chín nẫu phải đem đi đổ bỏ.
Bên cạnh đó có thể kể ra hàng chục, hàng trăm tin đồn không có kiểm chứng nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng và làm theo. Có dạo, người bán hủ tiếu méo mặt vì thông tin nấu nước lèo bằng chuột cống. Rồi thì lúa, gạo gây vô sinh, sữa có đỉa, ăn hướng dương có nguy cơ teo não, ăn chuối bị ung thư, bột gelatin làm bằng bì lợn thối, sinh vật lạ trong mì tôm…
Vì thế, khi thông tin chưa được kiểm chứng, mỗi cá nhân, mỗi người tiêu dùng có cần trách nhiệm hơn với mỗi nút chi sẻ (share) trên các mạng xã hội.