Lời tòa soạn: Nhiều người cho rằng, thuốc lá điện tử (TLĐT) là sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống. Nhưng thực tế các báo cáo và nghiên cứu khoa học cho thấy, loại thuốc lá này là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc buôn bán, sử dụng TLĐT cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng mà TLĐT mang đến cho sức khỏe con người. Thông qua đó, chung tay cùng các cơ quan quản lý tuyên truyền, xử lý triệt để hoạt động buôn bán trái phép mặt hàng này.

Thuốc lá điện tử - trào lưu độc hại của giới trẻ

Chỉ trong 6 tháng vừa qua, nhiều vụ buôn lậu thuốc lá điện tử (TLĐT) quy mô lớn bị bắt giữ, gần đây nhất là vụ Hải quan TP HCM thu giữ 4 kiện thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hóa lên đến 1 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11/2020, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Ninh cũng đã triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước đến nay. Lô hàng 12.505 điếu thuốc lá điện tử do Trung Quốc sản xuất, định giá 1.719.437.500 đồng; cùng hàng loạt các vụ buôn lậu TLĐT khác... điểm chung toàn bộ số hàng này là đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ.

Lô hàng thuốc lá điện tử trị giá lớn mới bị bắt tại Quảng Ninh. Ảnh: Bộ Công Thương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, TLĐT có hai loại gồm Vape và Pod, đã xuất hiện khá lâu trên thị trường thế giới và mới du nhập vào Việt Nam thời gian khoảng vài năm trở lại đây. Với những trải nghiệm mới lạ, Vape hay Pod đã trở thành trào lưu được nhiều người ưa chuộng và sử dụng thay thế cho thuốc lá bình thường. 

Trong khi Vape đòi hỏi nhiều phụ kiện để hút và mất công để có thể thể điều chỉnh nhả nhiều khói thì Pod đơn giản hơn khi chỉ cần thay đầu lọc là có thể hút, người hút không cần phải mua thêm phụ kiện. 

Cả Vape và Pod đều có thể sử dụng tinh dầu với nhiều hương vị khác nhau từ hoa quả tới các loại bánh và mức độ nicotin từ cao tới thấp tùy chọn kèm với đó là những lời quảng cáo có cánh như tiện lợi, giảm độc hại, an toàn... đã khiến không ít người cho rằng, hút Vape hay Pod không hề ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, ít người biết sản phẩm này đến nay vẫn không được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotin cũng đều độc hại vì nicotine tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và gây nghiện. Còn các loại tinh dầu thuốc lá được quảng cáo là không nicotine thì vẫn vô cùng độc hại với cơ thể con người do các thành phần phụ trợ, hóa chất dùng để xử lý, ngâm tẩm tinh dầu.

 

Không khó để tìm được một cửa hàng TLĐT bày bán công khai tại Hà Nội.

Để tìm hiểu về loại thuốc lá này, chúng tôi vào một cửa hàng Vape khá nổi trong cộng đồng thuốc lá điện tử trong một ngõ nhỏ ở Đội Cấn (Hà Nội). Tại đây bày bán nhiều loại Vape và Pod cùng hàng trăm loại hương vị tinh dầu khác nhau với giá mức giá nào cùng có. Theo người bán cho biết, giới trẻ thường dùng nhất là loại Pod có giá từ 100.000 – 150.000 đồng/chiếc. Pod tầm cao cấp ở khoảng giá 400.000 - 500.000 đồng/chiếc còn vape thì 1 - 2 triệu đồng/cái.

Theo lời nhân viên bán hàng, họ nhập khá nhiều loại, phục vụ nhu cầu đa dạng của giới trẻ. Không phải cứ rẻ là được ưa chuộng. Ví dụ như tinh dầu, có hàng chục, thậm chí lên đến trăm loại tinh dầu Vape và giá cả cũng vô vàn, tùy thuộc từng hãng, từng dung tích khác nhau. Còn có cả loại 0mg nicotin được quảng cáo là không hề độc hại và thường người sành điệu chọn những loại tinh dầu đặc biệt đắt tiền. Cũng theo cửa hàng này cho biết, hiện nay loại Pod hương vị dùng một lần, hút xong vất sọt rác bán chạy nhất "Loại Pod một lần bán dễ hơn vì vậy mà ôm hàng nhiều cũng chẳng lo hàng ế, thanh niên dùng nhiều lắm".

Các sản phẩm bày bán trên kệ của một shop Vape ở Đội Cấn.
Các sản phẩm bày bán trên kệ của một shop Vape ở Đội Cấn.

Khi được hỏi hàng nhập ở đâu, nhân viên trả lời "Tất cả các mặt hàng đều là hãng của Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc. Hàng nhập từ Trung Quốc, vừa nhanh lại vừa rẻ. Khách hàng không tin tưởng thì có thể check mã vạch ở trên vỏ hộp để biết nguồn gốc xuất xứ”.

Dù theo công văn số 2091/TCHQ-GSQL ngày 28/02/2014 của Tổng cục Hải quan về việc nhập khẩu thuốc lá điếu điện tử: “Căn cứ Thông tư số 37/2013/TT-BCT ngày 30/12/2013 quy định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà và ý kiến tham gia của Bộ Công Thương tại công văn số 1173/BCT-XNK ngày 18/02/2014 thì việc nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điếu điện tử được quản lý như đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 37/2013/TT-BCT ngày 30/12/2013 của Bộ Công Thương quy định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà. Theo đó, chỉ Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này.”

Như vậy, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là thương nhân duy nhất được phép nhập khẩu thuốc lá điện tử. Cá nhân, tổ chức trong nước muốn nhập khẩu thuốc lá điện tử phải phối hợp với VINATABA để thực hiện các thủ tục nhập khẩu.

Thế nhưng không rõ vì sao thị trường TLĐT lậu luôn tấp nập khách vào ra khi được quảng cáo rầm rộ trên các website, mạng xã hội. Một nhân viên cửa hàng TLĐT tại Đội Cấn khẳng định “Em tự tin đây không phải là đồ cấm, chẳng qua chỉ là mặt hàng hơi nhạy cảm vì báo đài đưa tin nhiều. Tụi em đổ sỉ cho rất nhiều quán cà phê. Nhiều quán đã đưa loại này vào Menu, bán cực nhiều luôn vì nó đang rất hot. Các quán cà phê còn cho vào menu chính có làm sao đâu”.

Số hàng đăng thoải mái trên trang cá nhân của một tay buôn.
Tay buôn đổ sỉ đăng hàng thoải mái trên trang cá nhân.

Được biết, thuốc lá điện tử nằm trong danh mục chưa được cơ quan chức năng cấp phép buôn bán, nhưng nhân viên lại nói bán thoải mái và công khai, không chỉ cửa hàng của họ mà còn rất nhiều địa chỉ khác tại Hà Nội. Để kiểm chứng lời của nhân viên, chúng tôi lại tiếp tục liên lạc với một tay buôn sỉ Pod dùng một lần có tiếng tại Hà Nội và được anh truyền đạt một số “kinh nghiệm” buôn bán TLĐT.

Không giống như cửa hàng bày bán công khai như trên, nhà buôn TLĐT này ẩn sâu trong một quán cà phê nhỏ nằm trên mặt đường lớn phố Tô Hiến Thành, giao dịch cũng hết sức kín đáo ở tầng 2 vắng khách. Chủ buôn là anh N. khẳng định, tất cả các loại TLĐT hiện nay đều là nhập lậu hết, sản xuất ở Trung Quốc và không ai có hóa đơn giấy tờ. Người bỏ sỉ này chuyên hàng Pod dùng một lần của hãng Romio và theo anh tiết lộ thì “Trang web Romio tuyên bố không bán hàng cho người Việt Nam cho nên tất cả đều là nhập lậu thôi. Muốn lấy hàng, phải nhờ người Trung Quốc lấy hàng, tính bằng tiền Trung Quốc, sau đó mới chuyển về biên giới để bọn em nhập về”.

Khi được hỏi tại sao hàng nhập lậu nhưng anh N. vẫn buôn bán thì anh cho hay, mặt hàng này bỏ một ăn ba và quan trọng là nó đang hot. Vì thế mà tay buôn hàng này có vẻ rất "kiêu" và giữ giá. “Em chẳng cần phải quảng cáo nhiều làm gì cũng bán được đều đều. Em có bán online nhưng ai gọi điện mua thì mới bán chứ không buồn check tin nhắn, nhiều lắm không check hết được. Mình chỉ cần nói là mình có hàng thôi, giá thế này. Lấy được thì lấy, không thì thôi”.

Anh N. còn tiết lộ mưu mẹo để buôn bán trót lọt qua mặt các cơ quan quản lý. Với những số lượng lớn đổ buôn cho các quán cà phê hay quán karaoke thì tách hàng để giao nhiều lần. Còn đối với khách lẻ 1 - 2 cái thì “công an không thèm bắt”. Nếu mà bắt được vài chục cái có thể đủ tịch thu thì cũng "không đáng để lập hồ sơ".

Hàng mẫu TLĐT cho khách đến xem của tay buôn phố Tô Hiến Thành. 

 “Lúc đầu em cũng sợ lắm chứ, ngay cổng Công an Quận, xung quanh đầy công an nhưng số lượng không đáng để người ta bắt. Trước khi bán em cũng đã tìm hiểu kỹ luật hết rồi cho nên cần gì lo lắng. Trên 10.000 cái thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ còn bán năm mươi vài trăm cái thì chẳng công an nào mất công đi mà bắt cả, giấy tờ hồ sơ lằng nhằng lắm… Với lại, công an làm sao mà biết mình có trên 10.000 cái hay không mà bắt, phải có người dẫn dắt nằm vùng. Mà thường thì người ta hút người ta mới mua, chẳng ai nằm vùng cả. Có chặn thu thì chặn trên cửa khẩu, chứ mình ở thành phố bán càng dễ”

Theo lời kể của anh N., anh mới chỉ bán dòng Pod này được mấy tháng nhưng vì đánh liều bỏ ra số tiền lớn ôm hàng một lần cho nên rất lãi. Càng gần Tết thì cửa khẩu làm chặt hàng lại càng khan hiếm do đó mà cứ nâng giá nhưng vẫn có người mua. Chỉ cần bán túc tắc bán lẻ mỗi ngày cũng đã lời được gấp đôi gấp ba bán sỉ. Hơn nữa, theo anh N. hút loại pod dùng một lần tốn hơn thuốc lá rất nhiều. Một chiếc 160.000 đồng với 3ml tinh dầu hút được khoảng 2 ngày, tính ra một tháng thì người dùng sẽ tốn rất nhiều tiền, và nó cũng như thuốc lá, đã nghiện là không bỏ được. Người ta nói là dùng TLĐT để cai thuốc lá hoàn toàn không phải mà chỉ là bỏ cái này để chuyển sang nghiện cái kia mà thôi.

Một hai năm trở lại đây, các loại TLĐT đa dạng và rẻ hơn nên đã tiếp cận được số lượng người tiêu dùng nhiều hơn, nhất là giới trẻ. Do đó buôn bán rất lãi và người buôn vì thế chẳng sợ lỗ cũng như bất chấp buôn bán hàng bất hợp pháp. Anh N. mới bước vào thị trường TLĐT mấy tháng gần đây nhưng đã lấy đến 3 chuyến hàng, mỗi tháng nhập về 2 vạn chiếc và lần nào cũng hết không có mà bán. Thời điểm gần tết hàng càng khan hiếm và cháy hàng bởi vì công an siết chặt cửa khẩu. Anh N. cho hay, anh sẽ buôn mặt hàng này cho đến khi nào hết "hot". Rồi khi nào hết trào lưu thì anh lại "nghiên cứu và tìm hiểu" một mặt hàng khác mà giới trẻ ưa chuộng hơn.

Công khai trên mọi "mặt trận"

Ngày nay, TLĐT không chỉ tràn ngập tại các cửa hàng trên phố mà còn được buôn bán công khai trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ “thuốc lá điện tử” sẽ thấy ra hàng trăm kết quả địa điểm mua TLĐT. Trên một số trang thương mại điện tử, sản phẩm này được rao bán công khai, từ hoàn chỉnh cho đến từng bộ phận linh kiện rời, từ khoảng vài trăm ngàn đồng cho đến hàng triệu đồng.

Bên cạnh đó, các shop này còn bán nhiều loại tinh dầu với đủ hương vị, các phụ kiện như bao da, adapter, hộp sạc rời, tẩu rời, cáp sạc, tăm bông chuyên dụng, dung dịch vệ sinh, giấy thấm dầu... Những sản phẩm đều được giới thiệu là hàng xách tay từ Âu, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc...

Vape ngang nhiên quảng cáo và giao dịch trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp từ page.

Dẫn Luật Thương mại 2019 quy định về các quảng cáo thương mại bị cấm, bà Hoàng Thị Thu Hương - Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định trên các phương tiện truyền thông, Việt Nam cấm hoàn toàn việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là TLĐT dưới mọi hình thức, bao gồm báo chí, trang thông tin điện tử, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, sự kiện thể thao, âm nhạc. Việc sử dụng những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn quảng cáo các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên mạng xã hội là hoàn toàn trái pháp luật.

Những nhà buôn còn lập hẳn web bán Vape cho tiện lợi.
Những nhà buôn còn lập hẳn web bán Vape sang chảnh.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) cho thấy, tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng TLĐT là 1,1% và chiếm 0.2% số người hiện đang sử dụng thuốc lá truyền thống. Còn số liệu của 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tổng số tin bài quảng cáo TLĐT chiếm đến 67,1%. Thậm chí, các cửa hàng còn thuê người nổi tiếng (KOLs) có nhiều fans trẻ như các ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên,… để quảng cáo Vape trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok.

Với hành vi quảng cáo thuốc lá, quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo thì mức phạt tiền từ 40-50 triệu đồng; hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thì bị phạt tiền 70-100 triệu đồng. Thế nhưng dường như chưa có vụ việc nào buôn bán TLĐT lẻ bị xử lý, có chăng chỉ là những vụ “tóm gọn” TLĐT tại cửa khẩu hay các nhà buôn lớn đổ sỉ. Phải chăng, giống như lời khẳng định chắc nịch của hai cơ sở buôn bán trên là “số lượng quá nhỏ không đủ cấu thành yếu tố hình sự” hoặc là “có nhiều mánh khỏe để bán hàng” cho nên TLĐT dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng?

Vape còn được nhiều KOL quảng cáo trên trang cá nhân. Ảnh chụp từ page.

Không chỉ là buôn bán “thả phanh” trên các fanpage, web điện tử mà việc giao hàng TLĐT cũng chẳng cần che giấu. Theo tiết lộ của cả hai cửa hàng trên, cách giao hàng đổ sỉ của họ đều thông qua đơn vị vận chuyển trung gian như giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm. “Em gửi Giao hàng tiết kiệm vào TP Vinh và cả TP HCM thường xuyên. Đơn vị giao hàng có kiểm tra nhưng vẫn nhận hàng bình thường. Số lượng của mình ít nên chẳng ai hỏi giấy phép kinh doanh hay giấy tờ xuất xứ hàng hóa đâu mà lo”- Anh N. cho biết.

Soi chiếu vào điều kiện vận chuyển của Giao hàng tiết kiệm, TLĐT thuộc mặt hàng cấm trong danh mục “Các chất ma túy, thuốc cỏ, thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập”. Vậy nhưng, theo lời tiết lộ của hai cơ sở trên thì chứng tỏ loại thuốc lá thế hệ mới này đã đi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chuyến trót lọt mà chẳng hề gặp phải một sự trở ngại nào. Vậy là, chính đường vận chuyển chính ngạch đã tiếp tay cho thuốc lá điện tử "giương oai" khắp các thị trường?

Cần nhiều biện pháp để ngăn chặn Vape được bán và hút công khai. Ảnh Int.

Để các nhà buôn chuyển được hàng khắp các ngóc ngách cũng không thể kể đến trách nhiệm lớn của các cơ quan QLTT. Mặc dù truyền thông suốt ngày ra rả "Thuốc lá có hại cho sức khỏe, thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng cấm" nhưng vẫn để Vape được bày bán công khai khắp các tuyến phố và các trang mạng.

Mánh lới của các tay buôn TLĐT cùng với sự lỏng lẻo trong quản lý của các bên liên quan đã khiến cho mặt hàng thuốc lá thế hệ mới này càng trở thành phổ biến trong các bộ phận giới trẻ.

Thiết nghĩ, để tiến tới đẩy lùi tình trạng sử dụng TLĐT, các ngành chức năng và người dân cần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Tích cực ngăn chặn các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo, buôn bán TLĐT khi các sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về tác hại thuốc lá nói chung và TLĐT nói riêng. Quan trọng hơn cả vẫn là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc tăng cường giám sát con em mình tránh xa TLĐT.

Theo Bình An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thuoc-la-dien-tu-tro-thanh-trao-luu-khi-buon-mot-loi-ba-20201231000000144.html