Triển lãm lần này cũng là dịp quan trọng để các hãng xe quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm và đẩy mạnh bán hàng. Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), kỳ triển lãm đầu tiên được VAMA tổ chức vào năm 2002. Trong những tháng diễn ra VMS đầu tiên và những lần diễn ra sau đó, doanh số thị trường ô tô đều tăng trưởng tốt. 

Honda Brio ra mắt ở Việt Nam. 

Đáng chú ý, từ năm 2016, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) cũng tổ chức một triển lãm riêng gọi là triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam. Sau 3 năm “đường ai nấy đi”, năm 2018, VAMA và VIVA bất ngờ hội tụ cùng nhau, chỉ tổ chức một kỳ triển lãm. 

Audi A8 nổi bật thu hút sự chú ý của nhiều người.

Theo Ban tổ chức, VMS 2018 có sự góp mặt của 15 hãng xe thuộc VAMA, VIVA gồm có: Audi, Chevrolet, Ford, Jaguar, Honda, Land Rover, Lexus, Maserati, Mercedes-Benz, Mitsubishi Motors, Nissan, Subaru, Toyota, Volkswagen và Volvo cùng 2 hãng xe thương mại và xe chuyên dụng là DCar Limousine và Eicher và FioriI.

Tại triển lãm ôtô VMS 2018 vừa qua, tổng thể triển lãm có quy mô lên tới gần 30.000m2, bao gồm không gian trưng bày trong nhà, ngoài trời, các khu chức năng và các khu vực dành riêng cho hoạt động biểu diễn, trải nghiệm xe và các thương hiệu đến từ công nghiệp phụ trợ...

Gian trưng bày  dòng xe sang của Ý Maserati.

Dù không tiết lộ cho báo chí, song theo tìm hiểu thì được biết số tiền bỏ ra cho một đợt triển lãm này của mỗi hãng xe như tiền thuê mặt bằng và chi phí truyền thông cho Ban tổ chức VMS tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) trung bình khoảng 60USD/m2. Như vậy, một gian hàng nhỏ nhất khoảng 100m2 sẽ có giá thuê khoảng 6.000 USD.

"Các gian hàng lớn như của Toyota (bao gồm cả gian Lexus), Mercedes-Benz sẽ có diện tích khoảng 1.000m2, do đó hai đơn vị trên sẽ phải bỏ kinh phí tham gia tại triển lãm VMS khoảng 60.000USD, tương đương khoảng 1,4 tỷ đồng”, đại diện VAMA tiết lộ.

2 dòng xe thể thao được Honda giới thiệu tại VMS 2018.

Như vậy, theo vị này, Toyota Việt Nam sẽ phải bỏ ra tổng kinh phí cho 1 đợt triển lãm (bao gồm cả thuê mặt bằng, dàn dựng sân khấu, vận chuyển xe mẫu, thuê người mẫu và người nổi tiếng đến biểu diễn...) lên tới cả 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng).

Dù không tiết lộ kinh phí nhưng theo đánh giá của các chuyên gia ô tô, riêng việc san lấp mặt bằng bùn lầy, sắp xếp các dạng địa hình và bố trí người phục vụ, thuê huấn luyện viên từ nước ngoài về để tổ chức off-road (lái xe mạo hiểm trên nhiều dạng địa hình tự nhiên), tổng kinh phí của nhà nhập khẩu xe ô tô Land Rover tại Việt Nam chi cho đợt triển lãm này ngót nghét khoảng từ 5 đến 6 tỷ đồng.

Đó là chưa kể tiền thuê vận chuyển các thiết bị mô phỏng địa hình được Land Rover nhập từ Singapore về Việt Nam (khoảng 24.000USD) và sân khấu quy mô trưng bày các dòng xe mới bên trong của triển lãm.

Mỗi hãng xe có chiến lược kinh doanh riêng, do đó tham gia VMS 2018 ngoài việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm mới, nhiều hãng đặt chỉ tiêu phải bán được số lượng xe nhất định tới các khách hàng và các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo đại diện của VAMA, dù biết tốn kém nhưng hầu hết các hãng xe ô tô tại Việt Nam đều “chịu chi” tham gia triển lãm bởi với họ, đây là dịp quảng bá thương hiệu, tiếp thị tới khách hàng và bán sản phẩm một cách hiệu quả nhất.

Doanh số bán hàng toàn ngành (bao gồm số liệu của các nhà nhập khẩu không phải là thành viên VAMA, Mercedes Benz và Lexus) trong cả năm 2017 đạt gần 251.000 xe, tiếp tục đáp ứng phần lớn nhu cầu xe du lịch và xe thương mại tại thị trường Việt Nam. Trước đó, năm 2016, số liệu toàn ngành đạt 272.000 xe, hiện đang là con số cao nhất từ trước tới nay.

Tại VMS 2018, trung bình 1 ngày có tới 30 chương trình biểu diễn nghệ thuật bắt đầu từ 9h30 tới 19h15 với sự tham gia của nhiều người mẫu, ca sĩ nổi tiếng tại các gian hàng của 15 thương hiệu xe hơi.

Tính đến chiều 28/10/2018, trước khi kết thúc triển lãm đã đón hơn hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, chọn và mua xe.

Theo Quốc Huy/Đô thị mới