Âm nhạc dễ dàng làm người dùng ghi nhớ thương hiệu
Nhà nghiên cứu thần kinh học của đại học Cape Town, Malini Mohana đã cho rằng: “Âm nhạc có thể tạo ra những ảo ảnh của nhận thức, truyền tới não bộ của con người những cấu trúc về hình ảnh qua các giai điệu”. Một vài nghiên cứu khác cũng khẳng định, não bộ kết hợp với âm nhạc sẽ tạo ra cảm xúc tích cực, thậm chí chúng còn khơi gợi lên những ký ức khó quên trong tiềm thức của người nghe.
Vì thế, không khó để tìm kiếm một MV âm nhạc mang tính chất quảng cáo, PR cho một nhãn hàng. Xu hướng marketing bằng âm nhạc đang là xu hướng đối với các nhãn hàng.
Lấy ví dụ Điện máy xanh, chỉ nhờ vào đoạn quảng cáo lồng vài câu hát vô cùng đơn giản “Điện máy xanh ua… ua…”. Chính câu từ dễ nhớ lại đập vào mắt người xem với màu sắc xanh lè – màu nhận diện của thương hiệu mà nhãn hiệu này được người dùng biết đến rộng rãi. “Thừa thắng xông lên”, Điện máy xanh tiếp tục thực hiện seri quảng cáo hát như nói, nói như hát hài hước nhưng tạo được hiệu quả lớn. Hay như mẩu quảng cáo nhỏ “Trăm phần trăm, chúng tôi là những con bò” của sữa tươi 100% của Vinamilk đã gây ấn tượng mạnh không chỉ với các em nhỏ mà còn với các tầng lớp thanh niên mặc dù quảng cáo đã ngừng phát vài năm trước.
Những quảng cáo giờ đây không chỉ được phát trên ti vi mà phổ rộng ở các trang mạng xã hội, bởi đây là nơi được người tiêu dùng dành thời gian nhiều nhất. Nó sẽ đi vào tâm thức sâu hơn hình ảnh nên khi nghe lại đoạn nhạc quen thuộc, chúng ta sẽ nhớ về thương hiệu được quảng cáo.
Quảng cáo nhờ các KOL
Cách quảng cáo trực tiếp, đập thẳng sản phẩm vào mắt người dùng đã không còn có tác dụng cao. Lấy ví dụ của các loại bột giặt mới như Abba, Surf, dù quảng cáo nhan nhản trên ti vi và cũng đúng các khu giờ “vàng” nhưng vẫn không khiến nhiều người dùng móc ví.
Các thương hiệu bắt đầu quay sang một hướng khác, nhắm vào giới trẻ khi tầng lớp này ảnh hưởng đến sức mua khá lớn. Các nhãn hàng ra sức thuê các KOL để livestream quảng cáo sản phẩm trực tiếp trên trang cá nhân theo hình thức review nhưng cách này không phải ai cũng được hưởng ứng. KOL đủ uy tín cộng sản phẩm thực sự chất lượng mới mong người tiêu dùng đón nhận.
Chưa kể đến việc hiện nay các KOL quảng cáo nhan nhản không chọn lọc đã khiến người dùng mất đi thiện cảm. Như vụ của Người mẫu Ngọc Trinh, Á hậu Tú Anh, MC Ốc Thanh Vân, diễn viên Thúy Diễm, ca sĩ Trương Quỳnh Anh, diễn viên Lã Thanh Huyền… đã bị người dùng phản ứng về việc quảng cáo cho sản phẩm không rõ nguồn gốc của công ty mỹ phẩm TS Việt Nam.
Cách quảng cáo một cách tự nhiên không hề phản cảm cũng đang được các nhãn hàng cân nhắc. Đó là lồng ghép vào MV ca nhạc của các ca sĩ. Tuy nhiên, cách này phải thực sự chọn KOL hạng A và cũng ăn may MV đó có nổi đình nổi đám hay không.
Ví dụ như Sơn Tùng, đã vào tay ca sĩ này thì khỏi bàn cãi về độ phổ rộng. Sponsor cho ai thì không biết, nhưng với “Sếp” thì “một bước lên mây”. Nhãn hàng Oppo và ekip của Sơn Tùng đã rất thành công khi hình ảnh quảng cáo điện thoại được chèn rất tinh tế, từ quay lướt, đến quay cận cảnh, chỉ vài giây thôi nhưng vẫn làm nổi bật sản phẩm của nhãn hàng tài trợ. Sự tinh tế ấy bao giờ cũng chiếm được cảm tình từ công chúng. Đối với MV “Lạc trôi” và “Nơi này có anh”, dù chỉ vài giây ngắn ngủi xuất hiện nhưng đôi giày Bitis Hunter cũng được cộng đồng mạng săn lùng tìm mua cho bằng được.
Còn Đen Vâu lại được xem là ca sĩ có một tư tưởng thương mại khá tốt khi “Quảng cáo như không quảng cáo!” khi ở cuối MV “Bài hát này chill phết”, nam rapper thật thà thú nhận: “Bài hát này đã có quảng cáo, không có tiền làm nhạc làm sao?”. Hơn nữa, những chi tiết màu vàng của áo, hay quả táo được hãng đưa vào khéo léo ẩn ý những hương vị quen thuộc của sản phẩm và những ly nước uống Strongbow trên bàn tiệc dã ngoại của các bạn trẻ đã khiến nhãn hàng này ghi điểm tuyệt đối.
Đã qua rồi thời đại quảng cáo chình ình sản phẩm trước mặt người tiêu dùng. Giờ đây, giới trẻ - tầng lớp “giám khảo” kỹ tính nhất đang lựa chọn những nhãn hàng thông minh và tinh tế hơn trong việc đưa hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, chưa bàn đến chất lượng của nó.