Ngày 13/2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2019, Việt Nam xuất hiện dịch cúm gia cầm tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 133.203 con gia cầm. Các ổ dịch xuất hiện trên gà chiếm 94%, vịt chiếm 5%, ngan chiếm 1%.

Còn từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy trên 43.200 con gia cầm tại Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Phun thuốc sát trùng khu vực chuồng trại xuất hiện dịch cúm A/H5N6

Theo ông Đông, hiện cả nước có 9 ổ dịch cúm A/H5N6 chưa qua 21 ngày. Trong đó có 2 ổ dịch tại xã Tân Khang và xã Tân Thọ thuộc huyện Nông Cống và 1 ổ dịch xã Quảng Trường thuộc huyện Quảng Xương của tỉnh Thanh Hóa.

Tại Nghệ An vẫn còn 3 ổ dịch tại 3 xã: Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Bá thuộc huyện Quỳnh Lưu.

Hà Nội vẫn còn một ổ dịch tại xã Phú Nghĩa huộc huyện Chương Mỹ và 2 ổ dịch tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh và xã Việt Thống, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Cục Thú y cho biết, năm 2019, Cục đã tổ chức lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố với tổng cộng gần 4.000 mẫu gộp của trên 19.800 con gia cầm đã được xét nghiệm.

Kết quả có 37,72% mẫu dương tính với cúm A, trong đó 3,48% mẫu dương tính với virus cúm H5, 1,19% mẫu dương tính với virus cúm H5N1 và 1,82% mẫu dương tính với virus cúm H5N6. Có 0,08% mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7, nhưng âm tính với virus cúm A/H7N9.

Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận các ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Chủng virus cúm A/H5N1 tại Ấn Độ, A/H5N1 tại Trung Quốc; A/H5N6 tại Nigeria, Trung Quốc; A/H5N8 tại Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi.

Tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2 và A/H5N5. Do vậy, nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao.

Người chăn nuôi gà hiện nay cũng bất ngờ rơi vào tình cảnh thê thảm do giá gà bán ra hiện chỉ bằng 1/2 chi phí. Thông tin từ các trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết giá gà, vịt từ sau Tết đến nay giảm liên tục. Trước Tết giá gà trắng (gà công nghiệp) tiêu chuẩn (2-2,5 kg/con) dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg, sau Tết rớt còn 21.000-22.000 đồng/kg, đến nay giảm còn 12.000-13.000 đồng/kg, tức giảm 50% trong chưa đầy 1 tháng và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng gà quá lứa, vượt trong lượng chuẩn, khoảng 3-4 kg/con hiện có mức giá rất thấp, chưa tới 10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau muống đang bán ở chợ (khoảng 15.000 đồng/kg).

Tương tự, giá gà màu hay còn gọi là gà thả vườn trước Tết từ 55.000-65.000 đồng/kg, nay giảm mạnh còn 25.000 đồng/kg, gà tam hoàng từ 50.000-60.000 đồng cũng giảm còn 17.000-18.000 đồng/kg. Giá vịt tại các trại chăn nuôi ở Đồng Nai trước Tết từ 46.000-51.000 đồng/kg, nay giảm còn 18.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết người nuôi gia cầm đang lỗ nặng, do giá bán ra thấp, bằng khoảng ½ chi phí chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến giá gà, vịt giảm sâu là do học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm nhiều loại thực phẩm.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam