Ổ dịch được gia đình ông Nguyễn Văn Cận, hộ chăn nuôi tại xã Thèn Sin phát hiện ngày hôm qua (18/3), sau khi đàn lợn của gia đình xuất hiện tình trạng sốt nhẹ nhiều ngày và đột ngột chết mất 6 con. Sau khi được gia đình báo tin, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung ương và trong chiều nay thì 4 mẫu gửi đi đều có kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các thủ tục tiêu hủy tại chỗ đàn lợn 111 con; đồng thời tổ chức khoanh vùng dịch, thành lập các chốt chặn tại các tuyến đường ra vào xã để kiểm soát dịch.
Lập chốt kiểm tra dịch. |
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện cũng như của tỉnh là đa phần đàn lợn tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, đồng bào các dân tộc địa phương vẫn còn tập quán chăn nuôi thả rông, nên công tác quản lý, phòng chống dịch chủ yếu phụ thuộc vào công tác tuyên truyền.
Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện trên địa bàn có tổng đàn lợn khoảng 40.000 con. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch thì huyện cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy ngay đàn lợn của gia đình phát hiện dịch.
Lai Châu là tỉnh thứ 20 phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Trước đó ngày 1/2, Hưng Yên trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam có lợn nhiễm virus, các tỉnh, thành còn lại gồm: Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Tùng Linh