Theo tin từ Bộ Tài chính, tại một cuộc hội thảo hoàn thiện chính sách phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra tuần trước tại Quảng Ninh, TKV lại tiếp tục gửi đề xuất lên Bộ Tài chính, đề nghị giảm 90% mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án bô xít.
Mức thu phí hiện hành đối với các dự án bô xít là từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/tấn, tùy địa phương; song TKV đề nghị giảm mức thu xuống còn 4.000 đồng/tấn. Mức đề nghị này, theo đánh giá của Bộ Tài chính là tương đương với khai thác đất, cát…để làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đây không phải là lần đầu tiên trong hai năm qua, TKV trình ra kiến nghị này và đã bị Bộ Tài chính cũng như địa phương nơi khai thác bô xít là tỉnh Lâm Đồng từ chối.
Theo lập luận của TKV, khai thác bô xít tương đối đơn giản, chỉ cần gạt hoặc xúc lớp đất phủ mỏng ở phía trên sang bên cạnh, xúc quặng đi sau đó hoàn thổ tại chỗ bằng đất thổ nhưỡng. Quặng bô xít và đất phủ có độ cứng ít, không phải khoan nổ mìn khi khai thác. Vì vậy, mức độ gây ô nhiễm trong quá trình khai thác là rất thấp, giống như khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình.
Chủ đầu tư hai dự án bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ cũng cho rằng việc phát thải bùn đỏ không xảy ra ở khâu khai thác mà ở khâu chế biến sau khai thác.
Dự án bô xít đã phải đầu tư rất lớn cho việc quản lý, vận hành và xử lý bùn đỏ. Cho nên mức phí bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính và các địa phương đang áp cho dự án là quá cao, không phù hợp với mức độ ô nhiễm do khai thác bô xít gây ra.
Để hai dự án bô xít đi vào vận hành trong hai năm qua, TKV đã đề nghị và nhiều lần được duyệt các ưu đãi nhằm giảm lỗ cho dự án. Tính ra, TKV đã được ưu đãi 5 loại thuế như được miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cố định, được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư lắp đặt đồng bộ tại dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng), miễn thuế xuất khẩu alumin xuống còn 0%…
Thậm chí, cuối năm 2014, TKV đã đề nghị cho nhà đầu tư có liên quan đến dự án là Công ty TNHH Trần Hồng Quân (đầu tư nhà máy điện phân nhôm công suất 300.000 tấn/năm) tại dự án Nhân Cơ (Đắc Nông) được hưởng các ưu đãi cao nhất cho dự án, trong đó có việc đề nghị giá bán điện cho nhà đầu tư thấp hơn giá bán điện bình quân trong khu vực này.
Tức là thay vì giá bán điện bình quân khoảng 6,5 cent/kWh hạ xuống còn 5,3 đến 5,4 cent/kWh. Các đề nghị này chưa được chính thức thông qua.
Báo cáo gải trình của Bộ Công thương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2015 cho biết đến năm 2016 và 2020, hai dự án này mới lần lượt hết lỗ.
Cụ thể: năm 2015, dự án Tân Rai dự tính vẫn lỗ 252 tỉ đồng và năm 2016 dự kiến còn lỗ gần 10 tỉ nữa mới cân bằng được tài chính. Dự án Nhân Cơ dự kiến lỗ kéo dài từ 2015 đến 2020 với mức lỗ dự tính gấp đôi mức lỗ dự án Tân Rai.
Trước đó, TS. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam từng bày tỏ quan điểm khi Bộ Công thương và TKV liên tục xin cơ chế ưu đãi.
Ông Liêm cho rằng, mục tiêu của dự án là nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phục vụ cho vùng đất Tây Nguyên. Đây là mục tiêu rất đẹp.
Thế nhưng để dự án có thể tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội thì yêu cầu đầu tiên là hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi. Lãi này thể hiện qua việc nộp thuế càng nhiều càng tốt và đồng tiền này sẽ tái đầu tư trở lại cho nhà ở, trường học, bệnh viện, đường xá cho vùng Tây Nguyên.
Còn GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho rằng, việc hoàn thổ và phục hồi môi trường chắc chắn không dễ như những gì TKV nói.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại về khả năng ô nhiễm nước vào mùa mưa và ô nhiễm bụi đất đỏ vào mùa khô. Vào mùa mưa, mưa Tây Nguyên xối xả sẽ trút xuống toàn bộ khu vực khai trường.
Từ đây, nước mưa mang theo đất đổ vào sông, suối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sẽ chảy về vùng Đông Nam bộ và các vùng hạ du khác.
"Còn vào mùa khô, hoạt động khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí do bụi và chất thải khí của các phương tiện cơ giới từ khu mỏ đến nhà máy tuyển quặng", GS.TSKH Đặng Trung Thuận nói./.