Đây là khảo sát công bố lần đầu tiên sau những cải cách về thủ tục hành chính thuế đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thực hiện lấy ý kiến từ 2.542 DN trên cả nước.
Báo cáo này đã đưa ra cảm nhận của cộng đồng DN trên năm lĩnh vực như: tiếp cận thông tin thuế; thực hiện các thủ tục hành chính thuế; công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại; sự phục vụ của công chức thuế; đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật trong 5 năm qua về công tác cải cách thủ tục hành chính thuế.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, mặc dù khi điều tra câu hỏi về chi phí không chính thức gặp nhiều khó khăn vì đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng kết quả khảo sát cũng cho thấy, trung bình 32% số DN cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế.
Tỷ lệ DN phải chi trảchi phí không chính thức không đồng đều giữa các nhóm DN theo nguồn vốn chủ sở hữu. 19% số DN nhà nước phải chi "thêm" cho cán bộ thuế. Ở DN tư nhân là 33%. Đặc biệt, có đến 41% số DN FDI cho biết đã có trả chi phí không chính thức cho công chức thuế.
Kết quả cũng chỉ ra trung bình có tới 40% số DN tin rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức. Tỷ lệ lo ngại cao nhất ở DN FDI, với 48%, tiếp đến là DN tư nhân, 42%.
Riêng DN nhà nước, chỉ 29% cho biết họ có thể bị phân biệt đối xử trong trường hợp này. Theo các DN, họ lo ngại thái độ phân biệt đối xử ở đây là việc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, kéo dài thời gian làm thủ tục thuế, công chức thuế sẽ có thái độ không văn minh, lịch sự khi tiếp xúc.
Về vấn đề thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, dù được đánh giá là tích cực song vẫn còn 26% số DN cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra còn trùng lặp. 26% số DN phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra thuế và 32% số DN từng bị thanh tra, kiểm tra cho biết cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình kiểm tra của cán bộ thuế luôn có xu hướng suy diễn gây bất lợi cho DN.
Thậm chí, nhiều DN gặp vấn đề nhưng không khiếu nại cơ quan thuế vì sợ những rủi ro quan hệ sau này, ngại tốn kém thời gian. Trong quá trình tiếp xúc DN, cơ quan khảo sát cũng nhận được phản ánh về tình trạng "lạm dụng". Thậm chí, có ý kiến cho rằng DN càng lớn càng có xu hướng phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn thừa nhận, tư duy "truyền thống" của một số cán bộ là “kiểm tra không ra kết quả thì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ”.
Đặc biệt, với DN lớn, theo tư duy của nhiều người là "làm nhiều thì khả năng sai nhiều" nên sẽ dễ được chọn thanh tra.
Những phàn nàn của DN về vấn đề thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại đang được sửa đổi theo hướng quản lý rủi ro. Quá trình này đòi hỏi phải xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 500.000 DN hiện tại. Trên cơ sở đó, ngành thuế phải xác định được vùng rủi ro và chỉ DN trong diện rủi ro, cơ quan chức năng mới được quyền thanh tra. Đây là kinh nghiệm tốt của nhiều nước, không thể thanh tra, kiểm tra theo cảm tính như hiện nay.
Báo cáo cũng chỉ ra trong các loại hình DN thì DN FDI có mức độ hài lòng thấp nhất về thông tin cũng như quá trình tiếp cận thông tin từ cơ quan thuế.
Trung bình cứ 10 DN thì có tới bảy DN cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. Khi gặp vướng mắc, có đến 92% số DN FDI tìm sự hỗ trợ từ Cục Thuế tỉnh, chỉ 3% từ Tổng cục Thuế, 1% từ Bộ Tài chính. Cũng nhóm DN FDI, khi được hỏi đã từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, phần lớn đều cho biết phiền hà gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi, lên đến hơn 70%.
Liên quan thuế giá trị gia tăng, phần lớn DN đánh giá khá tích cực về việc thực hiện sắc thuế này. Tuy nhiên, trung bình có 26% số DN điều tra không thực hiện thủ tục hoàn thuế vì lo ngại thủ tục này quá phức tạp, 70% số DN cho biết quyết định của cơ quan thuế ban hành đúng thời gian quy định. Về thuế thu nhập DN, phần lớn các DN có đánh giá tích cực, trung bình 80%.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, công tác thuế cũng còn rất nhiều những hạn chế, thiếu sót, cơ quan thuế còn rất nhiều việc phải làm để việc quản lý thuế được minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế. Việc đánh giá mức độ hài lòng của người nộp thuế sẽ được Tổng cục Thuế phối hợp VCCI thực hiện thường xuyên, và đây chính là thước đo để đánh giá kết quả cải cách, chất lượng phục vụ của cơ quan thuế.
Kết quả khảo sát cũng đã chứng minh những cải cách mà ngành thuế tiến hành trong thời gian qua là đúng hướng, đang được đẩy nhanh và bước đầu đã thu được những thành công…
Tổng cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam cũng đánh giá, kết quả khảo sát sẽ giúp Cục Thuế có cái nhìn toàn diện hơn về những mặt đã đạt được, vướng mắc trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, cũng như nhu cầu, mong muốn của DN để có những sửa đổi bổ sung phù hợp. Công tác cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn cần triển khai thường xuyên và liên tục, khi còn gần một nửa số DN (49%) cho biết họ đang gặp phải phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy những kỳ vọng ngành thuế khi triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế cũng cần có thêm nhiều cải thiện./.