Thời gian qua, báo Gia đình Việt Nam đã liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc Trường ĐH Tài Chính Ngân hàng Hà Nội đang thuê lại trụ sở của ba công ty con trực thuộc Tổng công ty cầu Thăng Long (CTCP) có địa chỉ tại 134 - 136 - 138 - đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội) làm nơi giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên.
Điều đáng nói cơ sở vật chất giảng dạy ở đây không đảm bảo các điều kiện để sinh viên học tập. Đặc biệt ngôi trường này đang hoạt động trong một không gian chật hẹp không đúng với quy định của giáo dục đại học.
Hiện địa chỉ ghi cơ sở 2 của trường ĐH này cũng được gắn tên các công ty con thuộc thuộc Tổng công ty cầu Thăng Long. |
Cũng theo phản ánh, dù trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội đang có trụ sở tại xã Tiền Phong (Mê Linh - TP. Hà Nội) nhưng hiện đi thuê địa điểm mới để mở cơ sở II trong nội thành Hà Nội đang thực sự là vấn đề đáng bàn .
Bởi thực tế mà nói, trong khi các cơ quan chức năng đang có quy hoạch vùng cho các trường Đại học di dời ra khỏi nội thành, nhưng với ngôi trường này lại đi từ ngoại thành chuyển vào nội thành để thuê cơ sở vật chất giảng dạy.
Trên trang web của trường ghi rõ, các địa chỉ 134 - 136 - 138 - Đường Phạm Văn Đồng là cơ sở II của trường. Tuy nhiên chính thông tin việc thành lập cơ sở của trường này đang được dư luận hết sức quan tâm.
Một tấm biển công ty được đặt ở ngay phía ngoài. |
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại địa chỉ 134 - 136 - 138 - Đường Phạm Văn Đồng không chỉ gắn biển hiệu trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội mà ngay ở ngoài cũng như ở phía trên đều gắn tên các công ty con trực thuộc tổng Công ty Thăng Long.
Từ thực tế đó, nhiều người nghi ngại: Liệu cơ sở này có được phép hoạt động?, Có thực hiện đầy đủ các quy định về thành lập cơ sở đào tạo theo quy chuẩn của ngành giáo dục đã có trong các văn bản quy định của Chính phủ và Bộ GD & ĐT hay không? Môi trường giáo dục mà đào tạo trong khuôn viên chật chội như vậy có thực sự đảm bảo?
Để làm rõ những vấn đề dư luận băn khoăn, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã nhiều lần đến đặt lịch liên hệ với nhà trường nhưng vẫn “không có hồi âm”.
Một góc của trường. |
Theo văn bản số 64/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 cuả chính phủ, khi thành lập trường ĐH phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính không dưới 05 ha và đạt bình quân ít nhất 25m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển; có cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhất là giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.
Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy, người lao động trong nhà trường.
Đối với trường công lập phải có Dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch. Đối với trường tư thục phải có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Vốn đầu tư và vốn điều lệ được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.
Chiếu theo quy định thì việc thành lập cơ sở mới cũng phải đảm bảo các quy chuẩn theo văn bản nói trên của Chính phủ ban hành.
Với thực tế như vậy, liệu rằng Trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội có đủ điều kiện thực sự để đảm bảo các điều kiện để sinh viên học tập? Đồng thời với một không gian chật hẹp như vậy có đúng với quy định của giáo dục đại học hay không?.
Những câu hỏi mà dư luận quan tâm trên xin được gửi đến Bộ Giáo dục & Đào tạo; UBND TP Hà Nội xem xét./.
Theo thông tin trên trang web, Trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội được thành lập nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực tài chính ngân hàng có chất lượng cao trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và bàn giao địa điểm xây dựng trường tại địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội với diện tích 109.562M2. Hiện tại dự án đã bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xong. Dự kiến đầu tư xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2011 và đến năm 2015, trường sẽ đi vào hoạt động tại cơ sở chính này. Đây là quá trình đầu tư lâu dài, bền vững với những giảng đường, trung tâm thông tin thư viện, KTX sinh viên hiện đại theo mô hình của các nước tiên tiến. Đến năm 2020 quy mô đào tạo có thể đáp ứng được trên 10.000 SV cho các hệ học. Bên cạnh việc chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mang tính lâu dài, trong thời gian đầu hiện tại nhà trường đã có 12.000m2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội được tiếp nhận của một đơn vị thành viên, có 12 giảng đường, 25 phòng làm việc, đã được sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cùng các công trình phụ trợ đảm bảo cho đào tạo và nghiên cứu khoa học 3700 SV hệ chính quy trong 5 năm học đầu tiên, đảm bảo an toàn cho người làm và người học. |