Thông tin trên được ông Bùi Đức Thụ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chia sẻ bên lề cuộc họp tại Quốc hội ngày 10/11.
Ông Thụ cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, việc điều chỉnh lương cơ sở sẽ được thực hiện từ ngày 1/5/2016, với mức tăng là 5%, tương đương tăng từ 1,15 triệu đồng lên 1,21 triệu đồng (60.000 đồng). Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công có hệ số dưới 2,34 và lực lượng vũ trang thì vẫn tiếp tục mức tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Chính phủ cũng giao cho các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Vì với mức tăng lương này, dự kiến ngân sách sẽ phải chi khoảng 11.000 tỷ đồng cho năm 2016.
"Thực chất thì tăng 60.000 đồng là quá thấp, nhưng do lương còn tính theo hệ số, nên mức này cũng sẽ cải thiện một phần đời sống của cán bộ công chức, người làm công ăn lương. Đây cũng là một sự cố gắng của Chính phủ, vì để có 11.000 tỷ là không đơn giản chút nào.
Năm nay, ngân sách cũng chỉ cân đối được một phần từ nguồn tiết kiệm 14.000 tỷ của ngành giao thông", ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho hay.
Ông Lợi cũng khẳng định, việc tăng lương đã được Chính phủ dự kiến từ trước, với mức lên tới 8,9% . Tuy nhiên, do không đảm bảo được nguồn tiền, nên buộc phải "liệu cơm gắp mắm".
"Ban đầu Chính phủ muốn tăng lương thêm 100.000 đồng. Theo tính toán, với mức tăng này, ngân sách sẽ phải gánh khoảng 29.000 tỷ dồng. Nếu tính cả mức tăng cho lực lượng vụ trang, cả người có công... nữa thì con số sẽ lên tới 35.000 tỷ đồng", ông Lợi nói.
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách mới đây, việc tăng lương cơ sở là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra.
Theo các đại biểu, 3 năm qua do ngân sách khó khăn nên nhà nước chưa điều chỉnh lương cơ sở, khiến đời sống của một bộ phận cán bộ, viên chức gặp khó khăn. Do đó, các đại biểu thống nhất việc điều chỉnh tiền lương là cần thiết và cấp bách.
Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng chia sẻ: "Thu nhập của công chức, viên chức không thể không tăng, vì kinh tế tăng trưởng, lạm phát năm nào cũng tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc cho khu vực ngoài Nhà nước năm nào cũng tăng.
Nếu không tăng lương cho người lao động trong khu vực Nhà nước thì công chức, viên chức không chỉ không được hưởng thành quả do sự phát triển kinh tế đem lại, mà thu nhập thực tế của họ còn bị giảm do lạm phát.
Lý do chưa tăng lương do không cân đối được ngân sách theo tôi thiếu thuyết phục, vì ngân sách năm nào cũng thu vượt dự toán và năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Chính vì vậy, Tổng liên đoàn Lao động đã đề nghị Chính phủ, năm 2016, không tăng nguồn chi thường xuyên khác như chi phí hội thảo, hội nghị, lễ hội… tiết giảm tối đa chi tiêu công để cố gắng tăng lương cơ sở cho khu vực Nhà nước thêm 5%.
Ai đi làm, làm cho bất cứ khu vực nào, Nhà nước, doanh nghiệp hay đi làm tự do cũng đều mong muốn có cuộc sống ổn định, có thu nhập tương xứng với công sức để đóng góp toàn tâm, toàn ý cho công việc. Công chức, viên chức cũng như người lao động, ai cũng mong muốn công sức mà mình bỏ ra phải được ghi nhận và trả công tương xứng.
Lương không đủ sống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, ít thì làm việc theo kiểu như dân gian gọi là “sáng cắp ô đi tối cắp về”, dành thời gian làm việc khác kiếm thêm thu nhập; gây khó dễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải “bôi trơn”; nhiều thì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng…" - ông Tùng phân tích./.
Đại biểu Lê Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Bộ máy hệ thống chính trị, người ăn lương Nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của Ngân sách Nhà nước. Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giản biên chế đảm bảo cho đời sống của người lao động, nhưng với các chủ trương, giải pháp như đang làm thì tôi tin là không thể giảm được. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang): Người hưởng lương từ ngân sách chỉ có 4 triệu trong số 92 triệu dân. Trong khi nợ công tăng, ngân sách hụt thu, tăng chi không biết tăng lương thì lấy đâu ra, tiết kiệm chỗ này chỗ kia tôi thấy không đủ. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Dưới 2,8 triệu cán bộ ăn lương từ Ngân sách Nhà nước, hàng năm ngân sách phải dành ra 35% để chi trả lương và cần phải 40.000 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ công chức này. Hiện nay Chính phủ đang tính toán, nhưng không biết cân đối như thế nào vì bộ máy của ta quá lớn, cồng kềnh so với các quốc gia khác./. |