Đây là nội dung được quy định tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/9, gồm 8 điều, trong đó nêu rõ sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân (trước đây chỉ xử lý pháp nhân) trong một số trường hợp.
Cụ thể, tại Điều 3 của Nghị quyết quy định về một số tình tiết định khung hình phạt. Theo đó, có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHTN, BHYT từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
Điều 4 của Nghị quyết xác định truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự….
Theo Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh: tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Từ khi có hiệu lực, ngành BHXH đã phát hiện những sai phạm và chuyển sang cơ quan điều tra gần 100 hồ sơ, nhưng việc truy tố, xét xử, điều tra liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm cũng gặp khó khăn bởi nhiều quy định định tính, chung chung và có các cách hiểu khác nhau.
Nguồn: https://congluan.vn/tu-1-9-ca-nhan-gian-lan-tron-dong-bhxh-se-bi-xu-ly-hinh-su-post66997.html