Căn phòng nhỏ ở 30 Nguyễn Quyền - Hà Nội của cô giáo tên Yến. Công việc chính là cán bộ công chức, nhưng trong những ngày này, cô phải làm “cô giáo” bất đắc dĩ do có quá nhiều người muốn học làm bánh. Lớp cũng chỉ tranh thủ thời gian rảnh vào buổi trưa và ngày thứ 7 nhưng lúc nào cũng kín người học.

Tôi phải đăng ký trước ba tuần mới tới lượt học và lớp học của tôi cũng là lớp thứ 15 rồi đấy. Dù thời gian học cũng chỉ mất hai buổi, một buổi học bánh nướng, một buổi học bánh dẻo nhưng giờ tôi đã có thể làm thành thảo cả hai loại bánh này với nhiều mẫu mã, chất liệu khác nhau”, chị Nguyễn Nguyệt Hằng, một công chức đi học làm bánh cho biết.

Tự làm bánh Trung thu vì muốn an toàn thực phẩm.

Tự làm bánh Trung thu vì muốn an toàn thực phẩm.

Được học sớm hơn chị Hằng ba lớp, chị Phạm Khánh Linh chia sẻ: “Năm ngoái tôi đã học làm bánh trung thu ở đây rồi nhưng chưa tự tin lắm nên giờ quyết định đi học lại cho nhớ trước khi “trổ tài” làm bánh cho cả gia đình. Cầm những chiếc bánh xinh xắn do tự tay mẹ làm, các con nhà tôi rất háo hức, năm nay các cháu cũng đã lớn, đủ khả năng tham gia làm bánh cùng mẹ”.

Hiện các lớp học làm bánh Trung Thu ở Hà Nội đang mọc lên rất nhiều. Người dạy chủ yếu là cán bộ, công chức, do gia đình có nghề làm bánh truyền thống, một số là đầu bếp ở các khách sạn tranh thủ dạy thêm.

Người học cũng rất đa dạng, từ người già đến trẻ nhỏ, thậm chí có cả… cánh mày râu nhưng đông nhất vẫn là các bà nội trợ. Có mong muốn kiếm được một nghề mới, có người muốn học xong về mở cửa hàng bánh, cũng có nhiều người chỉ muốn học để tự làm được bánh bảo đảm “sạch” cho gia đình. Học phí của các lớp học cũng đủ kiểu, có nơi 500.000 đồng/buổi, cũng có nơi lên tới 2- 3 triệu đồng, bằng cả tiền mua bánh trung thu biếu, tặng nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng “móc” hầu bao đi học. 

Riêng ở địa điểm 30 Nguyễn Quyền, mỗi buổi học chỉ có 200.000 đồng nhưng người học làm được bao nhiêu bánh sẽ được mang về. “Mình thấy học phí quá rẻ, chỉ là hỗ trợ nhau học là chính bởi bánh được làm từ nguyên liệu “xịn” như ở lớp học thì làm thành phẩm cũng đã 30- 35.000 đồng/1 chiếc. Mỗi hôm học được cô giáo cho mang về khoảng 6-10 cái thì cũng coi như hết luôn tiền học phí”, chị Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Khi tham gia vào các lớp học, đầu tiên những người học được dạy cách chọn nguyên liệu đạt tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”.  Chị Hoàng Thu Hồng sau khi học hết lớp làm bánh đã biết rất nhiều bí quyết, từ chọn các nguyên liệu cần có như bột bánh dẻo; nước hoa bưởi có thể dùng của hãng có tên tuổi như Phúc Nguyên; lạp xưởng Visan mai quế lộ; hạt điều vỡ, vừng rang sẵn, hạt dưa; mứt bí loại ngon ít đường… cần mua ở đâu.

Riêng loại mứt sen trần, chị Hồng cho biết phải chọn loại chuẩn (loại mứt tuyệt đối không dùng bột nhôm làm chất bảo quản nên hạn sử dụng chỉ 40 ngày trong tủ lạnh, 20 ngày nhiệt độ thường); các nguyên liệu như đậu xanh, đậu đỏ, sầu riêng, trà xanh, khoai môn, lá dứa, chanh dây, dâu tây, mè đen…

Mình không nghĩ có thể tự tay làm được những chiếc bánh nướng trà xanh, bánh nướng vỏ socola, bánh dẻo vị hoa quả và khó nhất là khâu làm nhân cũng có thể thành thạo chỉ sau hai buổi học. Giờ mình có thể tự tin làm ra những chiếc bánh trung thu cho cả gia đình của mình trong dịp Tết Trung Thu tới”, chị Nguyễn Trà My, theo học làm bánh chia sẻ.

Các bà nội trợ còn được học cả cách trang trí cho bắt mắt. Các cô giáo còn hướng dẫn và tìm cơ sở đặt túi bóng, hộp đựng bánh đẹp, bắt mắt để người học có bánh ngon rồi, có thể tự tin mang đi biếu tặng./.

Phi Long / Theo Ngày nay Online