Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bộ Nội vụ vừa báo cáo kết quả thực hiện năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành Nội vụ.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1-7-2019 và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,38%) từ ngày 01/7/2020 trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Đồng thời, trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,5% từ ngày 01-01-2020 và thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước.

Từ ngày 1-7-2020, lương cơ sở tăng lên 1.600.000 đồng/tháng (Ảnh minh họa)

Các Bộ, ngành đã thành lập Tổ (nhóm) biên tập xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực và đã xây dựng danh mục vị trí việc làm và bản mô tả, khung năng lực của vị trí việc làm của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi gửi Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị theo kế hoạch. Đồng thời triển khai xây dựng vị trí việc làm đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ công chức cấp xã.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW. Kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với việc thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.

Các cơ quan, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra. Quản lý chặt chẽ biên chế đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và vị trí việc làm. Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý)…

Đồng thời, lập phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.

Đến nay, các Bộ, cơ quan Trung ương đang hoàn thiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW đến Bộ Nội vụ để tổng hợp.

Theo Pháp luật & Xã hội