Cùng với công văn này, Bộ Tư pháp cũng ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện việc số hóa sổ hộ tịch” hướng dẫn cụ thể các phương án và lộ trình (gồm 5 giai đoạn) thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch từ các sổ đăng ký hộ tịch giấy.
Theo Bộ Tư pháp, việc số hóa dữ liệu từ các sổ hộ tịch giấy nhằm từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đảm bảo triển khai áp dụng thống nhất, có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của pháp luật về hộ tịch.
Trước mắt, việc số hóa số hộ tịch sẽ ưu tiên tập trung hoàn thành việc số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng ký trong 2 giai đoạn. Giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến thời điểm địa phương chính thức triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (dữ liệu hộ tịch được đăng ký theo quy định của Luật Hộ tịch) và giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2015 (dữ liệu hộ tịch được đăng ký theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP). Đây là hai giai đoạn công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được thực hiện bài bản và sổ đăng ký hộ tịch được lưu trữ đầy đủ nhất.
Sở Tư pháp là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính về tính chính xác và đầy đủ của dữ liệu hộ tịch được số hóa tại địa phương.
Với việc số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch, khi công dân có nhu cầu tra cứu thông tin hộ tịch chỉ cần khai thông tin về họ tên, năm sinh là công chức tư pháp - hộ tịch có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch một cách nhanh chóng, thuận tiện. |
Bộ Tư pháp cũng cho biết sẽ có Phần mềm quản lý dữ liêu hộ tịch lịch sử (giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2015) theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP (gọi tắt là Phần mềm hộ tịch 158). Đây là công cụ miễn phí, hỗ trợ các đơn vị tham gia số hóa dữ liệu hộ tịch điện tử trên toàn quốc có thể cập nhật, quản lý và khai thác dữ liệu hộ tịch đã được đăng ký theo các quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP một cách chủ động, dễ dàng và độc lập so với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Từ đó, cho phép các đơn vị tham gia triển khai có thể sử dụng nhân sự cập nhật dữ liệu hoặc thuê dịch vụ số hóa dữ liệu một cách linh hoạt, hiệu quả, đồng thời, có thể giám sát việc cập nhật dữ liệu một cách dễ dàng.
Bộ Tư pháp cũng lưu ý, quá trình triển khai áp dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch và thực hiện số hóa Sổ hộ tịch (cập nhật dữ liệu được số hóa trên Phần mềm hộ tịch 158), nếu địa phương phát hiện có thông tin địa danh hành chính còn thiếu, chưa có trong danh mục, đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Tư pháp chủ trì, kịp thời tổng hợp thông tin và gửi về Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) để được cập nhật, bổ sung.
Triển khai Đề án cơ sở dữ liệu điện tử, năm 2018 địa bàn TP Hà Nội đã có 3/30 đơn vị số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gồm các quận: Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Long Biên. Với việc số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch, khi công dân có nhu cầu tra cứu thông tin hộ tịch chỉ cần khai thông tin về họ tên, năm sinh là công chức tư pháp - hộ tịch có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch một cách nhanh chóng, thuận tiện. Hiện 27 quận, huyện, thị xã còn lại của Hà nội cũng đang rà soát các loại sổ hộ tịch hiện hành để chuẩn bị số hóa dữ liệu hộ tịch cho người dân. Cùng với việc số hóa dữ liệu hộ tịch, Hà Nội cũng đang triển khai ứng dụng rộng rãi CNTT trong đăng ký và quản lý hộ tịch, giúp người dân giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. |
Thanh Hải