Trở về từ nhiều chiến trường khốc liệt một thời, những hội viên Hội Thương, bệnh binh nặng huyện Đông Anh hiểu rõ giá trị của cuộc sống hôm nay. Và trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19, những người chiến sĩ ấy lại tiếp tục vào trận giữa thời bình với một tâm thế mới…

Ông Hoàng Thái Hòa - hội viên Hội Thương, bệnh binh nặng huyện Đông Anh tại điểm chốt kiểm soát y tế thôn Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh) những ngày thực hiện cách ly xã hội vừa qua. Ảnh: Mạnh Hùng

Người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu mới

Mấy ngày gần đây, khi dịch Covid-19 tạm lắng, ông Hoàng Thái Hòa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh) mới có dịp thư thái bên ấm nước chè: “Từ ngày 1-4, thực hiện cách ly xã hội, thôn Lại Đà bố trí hai chốt trực y tế tại điểm đầu vào thôn, mỗi ca từ 3 đến 4 người làm nhiệm vụ ghi họ tên, đo thân nhiệt người ra vào thôn... Ngày nào tôi cũng có mặt tại đó, đến ngày 23-4 vừa rồi hết cách ly xã hội, tôi mới có ngày ngồi nhà…” .

Trong câu chuyện về mình, ông Hoàng Thái Hòa cho biết, tháng 5-1971 ông nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường B, đến năm 1975 bị thương và được đưa về Bệnh viện 108 điều trị. 16 năm nằm viện, giành giật với sự sống nên ông thấu hiểu nỗi đau bệnh tật như thế nào. “Vậy nên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi quyết tâm cùng cán bộ, người dân trong thôn Lại Đà vào trận chiến đấu mới. Tại các điểm chốt y tế, dù nắng hay mưa, dù đêm hay ngày, chúng tôi đều trực với tinh thần rất nghiêm túc và coi đây là điểm mấu chốt kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả nhất” - ông Hoàng Thái Hòa cho biết thêm.

Chia sẻ về việc của ông Hoàng Thái Hòa, Trưởng thôn Lại Đà Nguyễn Duy Dũng nói: "Ngoài việc tham gia vào các tổ chống dịch Covid-19, ông Hòa còn chủ động phối hợp với công an, y tế, dân phòng thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” kiểm tra, giám sát chặt chẽ, rồi giải thích, vận động để người dân đến khai báo y tế và thực hiện cách ly tại nhà theo quy định...".

Tại thôn Đông, xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), tiếp chúng tôi, cựu chiến binh Hoàng Đình Cầu cho hay: “Tôi vừa đi một vòng trong thôn xem có ai ra ngoài mà quên đeo khẩu trang không? Đã hết giai đoạn cách ly xã hội, nhưng vẫn cần nhắc nhở bà con nghiêm túc chấp hành các quy định, tuân thủ các biện pháp phòng dịch...”.

Ông Hoàng Đình Cầu là hội viên Hội Thương, bệnh binh nặng huyện Đông Anh, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn Đông. Mặc dù là thương binh nặng, nhưng khi tham gia bất cứ công việc gì ông cũng không ngại khó, ngại khổ. Theo Trưởng thôn Đông, xã Kim Nỗ Nguyễn Khả Hành, khi thành lập chốt kiểm soát y tế tại xã, điểm chốt số 1 vào thôn Đông - tuyến giao thông liên xã, liên huyện được coi là chốt trọng điểm. Bàn đi tính lại với xã, với thôn, tất cả thống nhất giao cho ông Hoàng Đình Cầu làm chốt trưởng. Ở tuổi 70, nhưng ông Cầu có mặt hầu như suốt ngày, cặm cụi với công việc của mình tại chốt trực. Chốt số 1 tại thôn Đông được UBND xã Kim Nỗ, UBND huyện Đông Anh đánh giá rất cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Ngoài việc trực chốt, ông Hoàng Đình Cầu còn tham gia giám sát cách ly y tế. “Ngày nào tôi cũng vòng qua nhà 3 hộ F2 trong thôn ít nhất 3 lần xem có tuân thủ các quy định hay không và nhắc nhở những hộ dân xung quanh cùng tham gia giám sát để công tác cách ly, chống dịch được hiệu quả nhất” - ông Hoàng Đình Cầu tâm sự.

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Không chỉ đồng hành với cán bộ, người dân trong thôn, xã tham gia các chốt kiểm soát y tế trên địa bàn, những thương binh, bệnh binh nặng của Hội Thương, bệnh binh nặng huyện Đông Anh còn đóng góp một phần tiền của mình vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đông Anh.

Ông Lê Tràng Trí, Hội trưởng Hội Thương, bệnh binh nặng huyện Đông Anh bày tỏ: "Chúng tôi đều là những chiến sĩ “vào sinh ra tử” tại chiến trường nên hiểu giá trị của sự bình yên. Thế nên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã họp và nêu quyết tâm “vào cuộc chiến đấu mới”, mỗi người bằng sức mình phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” góp sức phục vụ quê hương. Trên tinh thần đó, người thì tham gia các chốt trực y tế tại thôn, xã; người thì nhận công tác kiểm tra, giám sát các hộ cách ly tại nhà; người thì hoạt động trong tổ kiểm tra, tuần tra chống dịch Covid-19… người góp công sức, người góp tiền của, tất cả vì việc chung…".

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu cho biết: Xã có 47 chốt kiểm soát y tế trong 22 ngày cách ly xã hội vừa qua thì hầu hết đều có sự tham gia của hội viên Hội Cựu chiến binh xã, thôn… trong đó có một số thương binh, bệnh binh nặng. Những người không tham gia chốt trực y tế thì cùng chính quyền, các hội, đoàn thể vận động người dân đóng góp tiền, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương…

Nói về những việc làm của hội viên Hội Thương, bệnh binh nặng trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết thêm: 72 hội viên trong Hội Thương, bệnh binh nặng của huyện đã tình nguyện đóng góp 15 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đông Anh. Số tiền này mang ý nghĩa rất lớn, lan tỏa tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19.

Không chỉ là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid-19, trong đời thường, họ tiên phong cùng người dân địa phương phát triển kinh tế. Đơn cử như ông Trần Duy Đông, thôn Vệ, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh), là một thương bệnh binh nặng nhưng luôn đi đầu tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp. Và mô hình trồng cây ăn quả, rau an toàn của ông là một trong những mô hình tiêu biểu tại xã Nam Hồng.

Chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh Nguyễn Thị Kim Dung cho biết thêm, những hội viên Hội Thương, bệnh binh nặng trên địa bàn đóng góp rất lớn vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại khu, tổ dân phố bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua và hiện nay. Ông Nguyễn Quang Phóng, thương bệnh binh nặng tại tổ dân phố số 14 (thị trấn Đông Anh) là một điển hình. Không chỉ tham gia các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, ông Phóng còn là thành viên trong tổ tư vấn pháp luật, tổ an ninh trật tự của tổ dân phố. Hễ có phát sinh mâu thuẫn hay điểm nóng ông đều có mặt kịp thời, phân tích hợp lý, hợp tình, nên giải quyết được nhiều vụ mâu thuẫn giữa các gia đình...

Trong những ngày này, khi cả nước hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người chúng ta càng thêm trân trọng, biết ơn những người chiến sĩ - “Bộ đội Cụ Hồ”. Và trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 hôm nay, giữa thời bình, chúng ta lại khắc ghi những đóng góp quan trọng của những cựu chiến binh, trong đó có các hội viên Hội Thương, bệnh binh nặng huyện Đông Anh.

Theo Hà Nội Mới