Vay và cho vay là hoạt động bình thường, không bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, thời gian gần đây hiện tượng cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến và để lại nhiều hậu quả xấu.
Theo nguồn tin báo Nguoiduatin.vn, trên thực tế khi nhiều người còn khó khăn về tài chính, các kiểu cho vay “chợ đen” đã xuất hiện. Tại TP.HCM, theo tìm hiểu của PV, bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp các thông tin về cho vay tiền, trong đó nhiều nhất là vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, có đi sâu tìm hiểu mới hay, đó là những cái “bẫy” tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ”. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, PV báo đã có khá nhiều thông tin về thế giới tín dụng đen với nhiều mưu ma, chước quỷ...
Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, vì cần tiền gấp mà nhiều người phải nhắm mắt, đưa chân và sa vào tròng của các đối tượng cho vay nặng lãi. Một trong hình thức đó là vay tiền “nóng”... thông qua việc mua hàng tại các địa chỉ do họ cung cấp.
Sau khi có sản phẩm thì đưa lại cho họ và lấy tiền ngay trong vòng một giờ đồng hồ. PV đã tìm hiểu, điều tra dịch vụ này và thấy thật đúng với từ “cắt cổ”. Bởi, ngoài lãi suất cao, đối tượng cho vay còn có cách “ăn chặn tiền”... vô cùng quái dị.
Chiêu trò mua lại sản phẩm bằng 80% giá trị
Từ thông tin trên một tờ rơi về cho vay tiền dán trên... cột điện, PV liên hệ muốn vay tiền nhanh. Theo số điện thoại 0906609xxx, người tên Như cho biết, “bên em chỉ cho vay theo hình thức mua sản phẩm, sau đó, đem sản phẩm đến bên em thâu lại và sẽ cho bên anh vay theo theo giá trị thực của sản phẩm đó”.
Sau khi giới thiệu xong gói cho vay, Như hỏi: “Anh đã vay tiền theo kiểu này bao giờ chưa?”, PV trả lời: “chưa” và hỏi tiếp, “Vậy cách vay như thế nào?”. Như hỏi tiếp: “Anh đang làm gì, thu nhập bao nhiêu/tháng, hộ khẩu ở đâu?”. Sau có thông tin là người có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, có hộ khẩu ở TP.HCM, công việc ổn định. Như nói chắc như đinh đóng cột, “anh cứ yên tâm, vay tiền đi”.
Sau đó, Như giới thiệu về gói dịch vụ này, theo đó, “anh cứ ra cửa hàng TGDĐ, FPT shop hoặc Viễn thông... chỉ ba cửa hàng này thôi, rồi mua hàng trả góp, trước khi đi thì gọi điện cho em. Khi đến đó mua hàng trả góp, làm hồ sơ theo những gì họ yêu cầu, đến khi hồ sơ được “duyệt” thì bên em sẽ mang tiền đến trả trước cho anh 20% theo yêu cầu của bên bán hàng”.
Như nói: “Ví dụ, anh mua một sản phẩm là điện thoại trị giá 10 triệu đồng, bên em sẽ giúp anh trả trước số tiền 2 triệu đồng. Khi mua được điện thoại rồi, bên em sẽ thâu lại chiếc điện thoại đó”.
PV hỏi, “mua lại với giá 10 triệu đồng hả?”, Như nói: “Không anh, bên em mua với giá từ 8 – 8,5 triệu đồng” (tương đương 80 – 85% giá trị của sản phẩm trong mỗi gói vay).
“Còn số tiền 2 triệu đồng mà bên chị trả trước có tính vào khoản vay luôn không?”, PV hỏi. Như trả lời: “Có chứ”. PV hỏi tiếp: “Vậy số tiền mà bên tôi được nhận thực tế đâu còn bao nhiêu?”. Như nói, “thì trừ đi 2 triệu còn lại giá trị 80 – 85% của sản phẩm thì anh nhận số tiền khoảng từ 6 – 6,5 triệu đồng thôi”. “Lãi suất như thế nào”, PV hỏi.
Như nói: “Từ 1,6 đến 3,6%/tháng, tùy theo hồ sơ mà anh được “duyệt”. Ví như có sản phẩm, thì bên cửa hàng sẽ cho anh vay lãi suất là 1,6%/tháng, nhưng có gói là 3,6%/tháng”. Theo kiểu cho vay này, thì đúng là siết cổ con nợ, bởi theo tính toán của PV, thì vay 10 triệu đồng, thực tế khách hàng vay tiền chỉ nhận được 6 triệu đồng, trong khi đó phải trả với lãi suất cắt cổ của 10 triệu đồng?!
Ví dụ, trong hồ sơ mua sản phẩm là 10 triệu đồng, nhưng vừa đưa qua khỏi cửa hàng chỉ còn 8 triệu, lại bị trừ 2 triệu đồng cho khoản trả trước. Nhưng lại bị tính lãi suất 3,6%/tháng (cao nhất), tương đương 43,2%/năm. Đây là mức lãi suất không tưởng, chỉ có những dịch vụ như thế này mới dám thực hiện.
Còn tính lãi suất thấp nhất là 1,6%/tháng, thì tương đương lên 19,2%. Đây cũng là mức lãi suất cao ngất ngưởng so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng (hiện đang ở mức bình quân 10 – 13%, có nhiều ngân hàng còn thấp hơn).
Với mức lãi suất này, nếu vay 10 triệu đồng và tính theo dư nợ ban đầu (phải nói lại cho rõ, khách hàng chỉ nhận thực tế có 6 triệu đồng, nhưng vẫn phải trả lãi suất của 10 triệu đồng), áp mức lãi 1,6%/tháng thì khách hàng phải trả hàng tháng gần 1 triệu đồng (cả gốc cộng lãi vay).
Trong đó, tiền gốc là trên 830 ngàn đồng và gần 160 ngàn đồng/tháng tiền lãi. Như vậy, thực tế cho khoản vay này trong vòng một năm, người vay phải chi thêm trên 1,9 triệu đồng tiền lãi. Còn khoản vay đó với lãi suất là 3,6%/tháng thì trả 360 ngàn đồng nhân 12 tháng bằng trên 4,3 triệu đồng/năm. Như vậy, khách hàng phải trả tổng cộng cho khoản vay 6 triệu, nhưng phải trả số tiền thực lên đến trên 14,3 triệu đồng/tháng (lãi vay 3,6%).
Đó là con số tính cho khoản vay 10 triệu đồng, nếu khoản vay càng lớn thì tiền lãi và các khoản phải trả càng nhiều.
Tràn lan dịch vụ cho vay... “nóng”
Ngoài địa chỉ của Như giới thiệu là hỗ trợ cho vay nóng tại TP.HCM (kể cả hộ khẩu địa phương nhưng đang sống tại TP.HCM), Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Long An và các tỉnh lân cận, thì còn đó rất nhiều địa chỉ khác cũng cho vay theo hình thức tương tự.
Một đặc điểm của kiểu cho vay này, chính là “quảng cáo” các thủ tục “hết sức đơn giản” để đánh lừa người vay. Theo đó, Như “quảng cáo”: “Hồ sơ đơn giản, chỉ cần hộ khẩu hoặc KT3, CMND. Nếu với mức vay dưới 4 triệu đồng thì chỉ cần CMND và bằng lái xe. Mức vay trên 4 triệu đồng cần CMND và hộ khẩu. Còn với mức vay từ 7 đến 40 triệu đồng thì cần CMND, hộ khẩu và một hóa đơn điện. Độ tuổi hỗ trợ từ 18 – 21 tuổi (cần thẻ sinh viên), đi làm là 21 tuổi - 60 tuổi”.
Ngoài các điều kiện trên, thì Như còn “nổ” “giải ngân trong vòng 15 phút đến hai tiếng, điều đó có nghĩa bạn sẽ có số tiền bạn cần trong thời gian ngắn nhất. Gọi cho chúng tôi, bạn sẽ được tư vấn kỹ lưỡng và nhiệt tình”.
Tương tự, người tên Lâm, số điện thoại 0906561xxx cũng cho vay nóng theo hình thức này cho biết: “Khách hàng có thể trả góp hàng tháng linh hoạt (cả gốc lẫn lãi) trong các khoảng thời gian: 6 – 9 – 12 – 15 – 18 – 24 – 36 tháng, tùy theo nhu cầu và điều kiện của khách hàng”. Theo hướng dẫn của Lâm thì khách hàng “đăng ký mua một sản phẩm trả góp theo yêu cầu của chúng tôi (không được tự ý lựa chọn sản phẩm theo ý bạn)”.
“Sau khi hồ sơ được “duyệt”, khách hàng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ đóng tiền trả trước theo yêu cầu của công ty tài chính hoặc ngân hàng bạn đã đăng ký. Nhận được sản phẩm và giao lại cho chúng tôi, khách hàng sẽ nhận được khoản tiền theo giá của sản phẩm mà chúng tôi mua lại (đã thỏa thuận trước đó với khách hàng và phải trừ đi số tiền mà chúng tôi đã hỗ trợ bạn để đóng trước cho cửa hàng)”, Lâm nói.
Nhưng thực tế, khi trao đổi với PV, Lâm cho biết, chỉ mua lại sản phẩm bằng 80% giá trị thực tế mà thôi. Tương tự, người tên Nhiên cũng cho vay theo hình thức này nói, “sản phẩm vay tiền của chúng tôi là vay tiền không thế chấp, dành cho các khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng, vay tiền “nóng”, vay tiền nhanh, vay tiền trả góp với số tiền nhỏ sử dụng tiền để giải quyết nhu cầu cá nhân, cần tiền gấp để giải quyết công việc nên chúng tôi chỉ cho vay từ hai triệu đồng đến 40 triệu đồng”.
Nhiên cho biết thêm: “Do đây là hình thức vay tiền tín chấp nên lãi suất vay phụ thuộc vào hồ sơ của quý khách, từ 1,4 – 3,2%/tháng. Tuy nhiên, trong thủ tục vay, nếu khách hàng không có hóa đơn điện hoặc nước hoặc điện thoại bàn, hoặc internet, hoặc truyền hình cáp một trong ba tháng gần nhất, thì phải chịu lãi suất siêu cắt cổ từ 4% – 6%”. Thậm chí, có nơi còn bắt chịu lãi suất tới 7,5%/tháng, tương đương 48% - 90%/năm”.
Bắt một loạt đối tượng cho vay lãi "cắt cổ"Công an quận 3 (TP Hồ Chí Minh) vừa tạm giữ nhiều đối tượng để làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản. Theo hồ sơ từ cơ quan điều tra bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, (SN 1953, ngụ quận 12) mượn của Trần Thị Kim Oanh, (SN 1971, quận Gò Vấp) 5 triệu đồng với lãi xuất 20% một tháng và trả góp hàng ngày 200 ngàn đồng. Bà điệp trả được 16 lần không trả nữa nên Oanh thuê vợ chồng Trịnh Ngọc Khôi, (SN 1990) và vợ là Hà Thị Bích Thủy, (SN 1991), cùng ngụ quận Gò Vấp để thu tiền của bà Điệp. Ngày 16/4/2015 bà Điệp bị Khôi và Thủy chặn xe, ép viết giấy bán chiếc xe đang chạy. Khôi tiếp tục gọi Nguyễn Huy Hoàng, (SN 1993), con của Trần Thị Kim Oanh và Đỗ Tuấn Nhật, (SN 1995) và hai đối tượng khác chưa rõ lai lịch đến đánh hai vợ chồng ông Phước rồi lấy xe bỏ đi. Tiếp nhận trình báo, lãnh đạo Công an quận 3 đã chỉ đạo đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phải quyết tâm làm rõ vụ việc. Sau đó 5 đối tượng liên quan bị mời về cơ quan điều tra để lấy lời khai. Tại cơ quan điều tra, Hoàng, Nhật khai nhận hành vi đánh và ép ông Phước ký vào giấy bán xe cho bọn chúng. Qua khám xét chỗ ở của Trần Thị Kim Oanh, công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi của bà này. Oanh thừa nhận từ tháng 5 năm 2014 đến nay đã cho 70 người vay tiền, số tổng số tiền hơn 400 triệu đồng với lãi xuất 20% một tháng. Hiện cơ quan công an đang tạm giữ Đỗ Tuấn Nhật, Nguyễn Huy Hoàng và Hà Thị Bích Thủy về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Riêng Oanh và Khôi do chưa đủ chứng cứ chứng minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản nên cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ việc cho vay nặng lãi. |