Theo thống kê, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Y tế đã phát hiện 946 mẫu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 417 mẫu bị đình chỉ lưu hành và thu hồi, 903 sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi.
Mặc dù hoạt động kiểm soát rất gắt gao nhưng tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có một vụ phanh phui, thu hồi và xử phạt các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không có nguồn gốc hay chứa chất cấm hoặc không đạt chất lượng. Thế nhưng, các hãng thực phẩm chức năng Việt vẫn ra đều đều và vẫn mở đại lý ồ ạt, vẫn có doanh thu hàng trăm triệu một tháng đều đều.
Như vậy có cầu ắt mới có cung nhưng vì sao những sản phẩm nhập nhèm nguồn gốc và dính đầy “phốt” như trà giảm cân Cường Anh, Detox Go Lean, kem trắng da Mai Thảo Mộc, dưỡng da Nga Hoàng, Hoa Mộc Lâm… lại vẫn được mua ầm ầm như vậy?
Quảng cáo dối trá
Hoàn toàn không khó bắt gặp một bài quảng cáo mỹ phẩm, thuốc giảm cân hay thực phẩm chức năng “nổ tung trời” trên các trang mạng xã hội. Các bài quảng cáo khiến nhiều người tin tưởng vào những “bài thuốc gia truyền, đông y gia truyền” hay “hoàn toàn từ thảo dược”.
Hầu hết những sản phẩm dạng này đều được phân phối qua hệ thống bán hàng online . Mạng lưới chân rết của hệ thống này dày đặc, làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội với cách làm hình ảnh long lanh, mượt mà khiến cho khách hàng luôn cảm thấy sản phẩm được nhiều người tin tưởng và mua dùng. Đó là các kiểu đăng quảng cáo ngày bán được bao nhiêu sản phẩm, mở được bao nhiêu đại lý, doanh thu tháng, doanh thu năm “khủng” như miếng mỡ trước miệng mèo.
Còn cách khác khiến người dùng khá tin cậy nữa là các nhãn hàng thuê những người nổi tiếng livestream quảng cáo chia sẻ kinh nghiệm về sản phẩm để chiếm lòng tin từ người tiêu dùng.
Rồi những chiêu trò mở hội thảo khách hàng, mời các chuyên gia, những người nổi tiếng đến chia sẻ kinh nghiệm về sản phẩm. Có những người dùng đến dự hội thảo, được ăn bánh, uống nước ngọt thỏa thích, sống trong không khí sang chảnh thì dần bị những hình ảnh hào nhoáng đó làm mờ mắt, bắt đầu bỏ ra số tiền vài triệu đến vài chục triệu để mua sản phẩm và làm đại lý nhỏ, cộng tác viên nhỏ. Vậy là sau mỗi hội thảo, người bán lại có thêm không ít những đơn hàng từ chính những người tham dự.
PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế cho rằng, vì những lời quảng cáo thái quá, lại đánh vào nỗi sợ hãi của con người nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bằng được chúng.
"Truyền thông không đúng sự thật ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người. Truyền thông có nhiều cách, có thể qua các TV hoặc qua các kênh quảng cáo chính thống và không chính thống như truyền miệng, nhưng nó để lại những hệ lụy không nhỏ cho người dùng. Với người sản xuất ra sản phẩm của mình thì đương nhiên họ phải rất tin tưởng vào sản phẩm đó, bởi vì sự tin tưởng vào sản phẩm đó cho nên họ truyền tinh thần đó vào sản phẩm, truyền sang ngôn ngữ của người sử dụng. Cho nên đôi khi nó đi quá giới hạn cho phép" Bà Oanh chia sẻ.
Người dùng biết vẫn cứ ham
Chị Huyền Trâm (Nhân viên văn phòng - Trung Kính) được một người bạn giới thiệu cho loại trà giảm cân Cường Anh với lời đinh ninh chị sẽ giảm được sau khi sinh hai đứa con. Uống được 1 tuần, hiệu quả giảm rõ rệt. Nhưng sau đó chị luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải và làm việc không có hiệu quả như mong muốn.
Thấy bất ổn, chị ngừng uống nhưng cân nặng lại tăng lên. Sau đó, chị Trâm lại nghe lời quảng cáo ngon ngọt về một loại TPCN giảm cân thảo dược khác có quảng cáo là “không tác dụng phụ, không cần kiêng khem” và mua ngay về dùng. “Uống loại thuốc nhập ngoại này, cân nặng của tôi cũng có giảm thật nhưng lại gặp vô số vấn đề sức khỏe, còn nặng hơn lần trước như khó chịu, đau bụng, hoa mắt chóng mặt, da xuất hiện nám, rạn và thậm chí là kinh nguyệt không đều, tắc kinh nhiều kỳ”.
Khi được hỏi tại sao dùng một lần không hiệu quả và có tác dụng phụ mà chị còn tiếp tục dùng loại thứ hai. Chị cho biết “Tôi có tham khảo trên mạng và thấy có rất nhiều người nổi tiếng livestream quảng cáo cho sản phẩm này. Hơn nữa, còn nghe nói những loại thuốc đó là thảo dược cho nên mới uống”
Đến giờ thì chị Trâm thực sự đã tạm biệt thuốc giảm cân và luôn cảnh báo với mọi người về tác dụng phụ của thuốc gây ra khi bất cứ ai nhắc đến các sản phẩm này.
Còn chị Ngân Anh (Nam Từ Liêm) cũng vậy. Chị cho biết “Mình thấy kem trị mụn Ngọc Sâm được quảng cáo rầm rồ trên mạng xã hội và đã thử mua để dùng nhưng thật không ngờ, bôi được vài hôm thì da mình đỏ tấy, nổi mẩn và sưng nề. Mình ngưng dùng ngay lập tức nhưng hậu quả là da mặt bị bỏng độ 1”
Điều đặc biệt không chỉ chị Ngân Anh mà có hàng trăm trường hợp sử dụng kem trị mụn Ngọc Sâm đã phải đi chữa trị các vấn đề về da vì sử dụng sản phẩm này.
Nhận định về vấn đề này, Lương y Đa khoa Bùi Quang Sáng, Hội Đông y Việt Nam cho hay, người tiêu dùng thường lầm rằng dù đó là thảo dược thì chưa hẳn mọi thảo dược đều có thể dùng để làm đẹp an toàn. Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại những thảo dược có tính độc. Ví dụ không ai đi lấy cây trúc đào về để làm đẹp vì nó có thể gây chết người. Điều này để nói trong Đông y không phải thảo dược nào cũng an toàn. Nếu phối không đúng thuốc còn có thể nguy hiểm cho người dùng. Chưa kể đến việc sản phẩm đó có chuẩn chất lượng hay không.
“Nhiều chị em vì nhu cầu muốn làm đẹp nhanh chóng mà không ít người bán mỹ phẩm thảo dược đã lợi dụng tâm lý này và cho các hóa dược có tính tẩy trắng da nhanh. Việc tẩy trắng có thể gây tổn thương và làm da xấu đi. Chưa kể tới một số hóa mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, tự bào chế rồi gắn mác thảo dược Đông y rất nguy hiểm”, Lương Y Bùi Quang Sáng chia sẻ.
Trong làm đẹp chỉ tẩy mà không dưỡng thì rất nguy hiểm. Nó có thể xảy ra tình trạng dùng xong thì rất đẹp nhưng sau một vài ngày dùng thuốc sẽ gây ra hiện tượng dị ứng.
Lương Y Bùi Quang Sáng khuyên, nếu muốn làm đẹp bằng thảo dược Đông y thì nên nghe tư vấn của bác sĩ. “Làm đẹp bằng thuốc Đông y chỉ phát huy hiệu quả nếu kết hợp cả bôi bên ngoài và uống thuốc theo thang để cải thiện bên trong. Thuốc bôi và uống phải phù với cơ địa từng người”
Còn Th.s.BS Trịnh Xuân Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho hay, bất cứ sản phẩm làm đẹp nào dù đó là thảo dược tự nhiên cũng phải được sản xuất bởi một công ty uy tín đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng bởi vì những sản phẩm này có thể phù hợp với người này nhưng lại có thể gây dị ứng với người kia vì cơ địa của mỗi người có tính cá thể riêng biệt.
“Chúng tôi thường hay gặp nhất đó là những bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc dị ứng. Nguyên nhân là bệnh nhân tự dùng thuốc bôi làm đẹp. Trong đó, nhiều nhất là các loại thuốc tiêm trị nám, làm trắng da, trị mụn. Ngoài ra, một số trường hợp nhập viện do làm theo các thông tin truyền tai trên mạng, điển hình nhất là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mặt sưng vù, mắt híp lại do dùng ốc sên để làm trắng da”.
Bác sĩ Vinh khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho bản thân, trước khi muốn làm đẹp, chị em nên đến khám tại các cơ sở uy tín, từ đó các bác sĩ sẽ thử phản ứng và đưa ra hướng điều trị phù hợp với cơ địa từng người. “Làm đẹp là nhu cầu cần thiết của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trước khi làm đẹp bằng bất cứ loại thuốc gì thì chị em cũng nên đi khám và xin tư vấn chuyên khoa da liễu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ biết loại da đó có phù hợp với loại mỹ phẩm làm đẹp đó không. Tránh được nguy cơ dị ứng tiền mất tật mang cho các chị em”, Bác sĩ Vinh khuyến cáo.