Các Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) họp tại Atlanta (Hoa Kỳ) đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại và ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP vào sáng 5/10/2015, theo giờ địa phương.

Kể từ thời điểm này, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã liên tục đưa tin về sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Trong đó, có một số tờ báo cho rằng, Việt Nam đã đàm phán thành công và có thể công bố rộng rãi. Tuy nhiên, trong buổi họp báo cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định TPP vào chiều 9/10, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chính thức lên tiếng khẳng định, đàm phán TPP đã kết thúc nhưng Việt Nam chưa công bố và cũng chưa thể ký kết ngay thời điểm này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, thời gian để Hiệp định TPP được thông qua phải mất từ 18 tháng tới 24 tháng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, thời gian để Hiệp định TPP được thông qua phải mất từ 18 tháng tới 24 tháng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam cùng các nước tham gia đàm phán tiếp tục thực hiện nhiều bước tiếp theo như rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. Đây là công việc phức tạp và để thực hiện nhanh đòi hỏi nỗ lực cao độ của tất cả các đoàn đàm phán. Trên cơ sở hoàn tất rà soát pháp lý, các nước phải dịch thuật và cùng công bố rộng rãi nội dung Hiệp định TPP.

Chưa dừng lại ở đó, các nước phải dành thời gian để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định TPP. Sau giai đoạn trên, các nước mới chính thức ký kết Hiệp định TPP trước khi thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước. Theo đó, thời gian dự kiến phải mất từ 18 tới 24 tháng.

Cũng trong buổi họp báo tại trụ sở Bộ Công Thương, ngoài việc thông tin đầy đủ, chi tiết về Hiệp định TPP như quá trình tham gia của Việt Nam, tình hình đàm phán Hiệp định TPP, các nguyên tắc chỉ đạo đàm phán, các nội dung đàm phán quan trọng cũng như đánh giá tác động của Hiệp định TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh – Trưởng phái đoàn đàm phán Hiệp định TPP cũng đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, các nước đánh giá cao việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP bởi những năm Đổi mới vừa qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động, nhất quán thi hành đường lối Đổi mới, nghiêm túc thực thi cam kết quốc tế, có môi trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực., có thể giúp tăng ảnh hưởng có TPP.

Ngoài ra, với quy mô dân số đáng kế, có nền kinh tế phát triển năng động, VIệt Nam hứa hẹn trở thành thị trường có sức mua lớn, là điểm đến được doanh nghiệp các nước, nhất là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, Việt Nam là nước đang phát triển nên việc có thể tham gia Hiệp định TPP là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia Hiệp định TPP và mở rộng TPP trong tương lai. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, trong số 12 nước tham gia đàm phán TPP, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.

Sau 5 năm đàm phán, trong đó Việt Nam chính thức tham gia từ tháng 11/2010, TPP trải qua hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng. Đến ngày 5/10/2015, hiệp định đã hoàn tất quá trình đàm phán, với 12 thành viên là Mỹ, Nhật, Canada, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Mexico, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam cần biết tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định TPP. (Ảnh: VNE)

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam cần biết tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định TPP. (Ảnh: VNE)

Lợi ích không tự đến…

Đánh giá về những khó khăn khi tham gia Hiệp định TPP, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không thể tự nó biến thành lợi ích, thành sức mạnh trên chiến trường. Thách thức từ hiệp định là sức ép trực tiếp, nhưng sức ép đến đâu còn tùy vào khả năng nội lực của mỗi quốc gia.

“Tôi khẳng định TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn, bởi chính doanh nghiệp khi chịu sức ép của cạnh tranh sẽ phải vươn lên, song bộ máy Nhà nước trì trệ thì sẽ rất nguy hiểm” ông Trương Đình Tuyển nêu rõ.

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, khi tham gia TPP, cơ hội của xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn nhưng quan trọng là phải tận dụng được. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng điều đó không đáng lo ngại.

“Khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2006. Rõ ràng là vốn đăng ký tăng lên, doanh nghiệp phải triển khai dự án và nhập siêu có thể tăng, nhưng sau khi đã phát triển sản xuất thì xuất khẩu sẽ tăng lên”, ông Trương Đình Tuyển lưu ý./.

Quý Dương (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online