Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH ngày 9-5-2020 được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ngoài đối tượng là lao động tự do, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê, xác định chính xác các trường hợp: lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp; lao động bị ngừng việc, mất việc; hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Người dân Thủ đô phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng và Quyết định 1757 của TP. Ảnh: Đình Tuệ

Chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc kéo dài.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và DN các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt thực hiện tuyên truyền đến các cấp xã, phường, thị trấn, thôn, sóc, bản và đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Bộ cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương, Bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch và phòng, chống bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định pháp luật hiện hành.

Đồng hành cùng DN và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng. Trong 7 nhóm hỗ trợ, đặc biệt quan tâm nhóm lao động trong các DN bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Qua theo dõi tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, về cơ bản các địa phương đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp xây dựng kế hoạch và thực hiện chi trả cho các đối tượng.

Tuy nhiên, nắm bắt tình hình tại địa phương và phản ánh của người dân, vẫn còn nổi lên một số vấn đề như: một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ. Quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và DN chưa đầy đủ dẫn đến một bộ phận người dân, DN chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ.

Theo Pháp luật & Xã hội