HIện tại, tất cả các điểm kinh doanh yến sào đều bán yến huyết đều không được kiểm định chất lượng. Hơn nữa, giá cả mỗi nơi một khác nhưng cứ cần là có, miễn trả giá cao.
Tại sao yến huyết được bày bán tràn lan trong khi khái niệm về yến huyết còn rất mập mờ và ngay những người thợ có kinh nghiệm cũng khẳng định, yến huyết vô cùng hiếm?
Khi tìm đến một tư thương kinh doanh yến tại quận Tân Bình, TP. HCM, nhóm phóng viên lập tức biết rằng có thêm hai chiêu trò để móc túi người tiêu dùng thêm hàng chục lần. Tư thương này cho biết: "Với cách thứ nhất, đầu tiên, mình phải xịt tổ yến cho ẩm, sau đó bỏ vào thùng xốp.
Mình sẽ đào một cái hố để cho thùng xốp vào cái hố đó và ủ phân hữu cơ lên. Ủ khoảng hai tháng, tổ yến sẽ chuyển sang màu hồng do trong phân hữu cơ có chứa NH3 phản ứng với Oxy có trong không khí, tạo ra Nitrit. Nếu mình để thêm một tháng thì toàn tổ yến sẽ chuyển từ màu trắng sang màu đỏ".
"Còn, theo cách thứ 2, nếu không làm vệ sinh ở nơi chế biến, làm tổ thì trên thành tường sẽ có phân chim và NH3. NH3 phản ứng với Oxy sẽ tạo thành màu đỏ dưới chân tổ. Lâu ngày, tổ yến sẽ đỏ từ dưới chân tổ lên trên, dần dần sẽ đỏ toàn tổ" - tư thương này cho biết thêm.
Theo cách này, nếu lỡ có bị pháp luật sờ gáy, tư thương sẽ lấp liếm rằng, sự hình thành yến huyết tại nhà yến của họ hoàn toàn tự nhiên chứ họ không nhuộm màu hay tác động gì. Thế là họ an toàn, còn người sử dụng sản phẩm thì họ không quan tâm.
Như vậy, người tiêu dùng bỏ hàng trăm triệu đồng ra mua yến huyết giả, để phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư. Trong khi đó, người kinh doanh yến huyết giả vẫn "bình chân như vại", ngồi đếm tiền và theo dõi cái chết đến từ từ với đồng loại của mình mà chẳng lo phải tù tội.
Cách đây 4 năm, cơ quan Giám sát kỹ thuật và Chất lượng tỉnh Triết Giang, Trung Quốc đã phát hiện lượng Nitrit quá mức cho phép trong những tổ yến huyết tại ít nhất 491 đại lý tổ yến.
Cụ thể, mức Nitrit trung bình là 4.400 mg/kg, vượt hơn 6.000% ngưỡng an toàn. Lập tức, nhà chức trách đã triển khai một đợt kiếm tra độc hại của yến huyết tại nhiều tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Lượng yến huyết nhiễm độc Nitrit cao ở Trung Quốc được nhập từ Malaysia. Đây cũng là thị trường cung cấp yến nhập chính cho Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến nay, có hơn 11 tấn yến được nhập chính thức vào Việt Nam. Trên thực tế, theo nhiều người kinh doanh mặt hàng này, lượng yến nhập lậu gấp ít nhất 5 lần lượng yến được nhập theo đường chính ngạch, trong đó có nhiều yến huyết.
Trước đó, như Tiêu dùng + đã đưa tin, trong một con hẻm thuộc địa bàn Quận 6, TP. HCM, có những bí mật rợn người về yến sào chưa bao giờ được kể.
Sau khi ngâm đường, những sợi yến vụn sẽ tăng ít nhất 25% trọng lượng. Nhưng trọng lượng đó dường như vẫn quá ít so với kỳ vọng của tư thương.
Để tối đa hóa lợi nhuận, những sợi yến dài sẽ được nhúng chìm hẳn vào đường, sau đó đến công đoạn vô khuôn, tạo hình.
Những sợi yến dài nhất được để ở mặt ngoài, những sợi yến vụn sẽ được nhét vào bên trong, sau đó đóng khuôn rồi mang đi sấy. Tại nơi sấy, yến sẽ được quạt liên tục trong vòng 8 tiếng, rồi bỏ vào khay.
Tẩm đường vào yến đã trở thành một nghề có chia vai vế, đẳng cấp về độ tinh vi. Với những người chuyên gia công yến, không khó để hô biến 1 kg đường có trị giá chỉ 30.000 đồng thành 1 kg yến trị giá tới 30 triệu đồng.
Nếu không may bị phát hiện gian dối, tư thương có thể sẽ nói họ tẩm đường vào để người tiêu dùng đỡ phải thêm đường khi chưng yến.
Khủng khiếp hơn, khi tẩm đường vào yến, các loại dung dịch công nghiệp chuyên dùng để tẩy uế bồn cầu như nước Oxy già hay nước Javen, được sử dụng khá nhiều.
Các chất tẩy rửa công nghiệp có thể chứa những kim loại năng khác nhau, có thể gây hại cho sức khỏe con người, thậm chí gây ung thư.
Theo một số nhà kinh doanh yến, hiện nay trên thị trường, cứ 10 điểm kinh doanh yến thì có từ 8 đến 9 điểm bán yến tẩm đường. Tỷ lệ đường dao động từ 5-60%. Khi chưng yến lên, đường sẽ phản ứng hóa học với các chất dinh dưỡng trong yến và vô hiệu hóa nhiều chất dinh dưỡng quý.
Như vậy, người tiêu dùng vừa phải trả tiền cao gấp trăm lần để mua đường, vừa phải ăn yến kém chất lượng./.