Theo khuyến cáo, thời điểm Tết Nguyên đán là mùa mua sắm, tiêu dùng của người dân và cũng là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp. Vì vậy mọi người phải thật thận trong khi tiến hành các giao dịch hoặc khi nhận được các thông tin liên quan đến giao dịch tiền bạc, thông tin bảo mật về tài khoản ngân hàng...

Cảnh giác mua hàng online

Theo Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội 3 PC50 Công an Hà Nội, thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian gần đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo bán hàng online hoạt động, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Thủ đoạn của các đối tượng là yêu cầu chuyển tiền nhưng không giao hàng theo thỏa thuận, giả mạo trang web, Facebook bán hàng để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lập ra tranh fanpage giả mạo các trang bán hàng online uy tín, rao bán các sản phẩm có giá trị như quần áo thời trang, túi xách, điện thoại, vé máy bay, bàn ghế, mỹ phẩm... Khi bị hại mua hàng, đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

can than voi nhung chieu lua dao tren mang xa hoi dip tet
ảnh minh họa

Dịp trước và sau tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lập các trang web giả mạo để lừa bán vé tàu, vé máy bay. Cuối tháng 12/2016, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát hiện một loạt trang web có tên miền gần giống với website của ngành đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé Đường sắt Việt Nam cung cấp để trục lợi.

Khi hành khách liên hệ đặt vé thông qua các website giả mạo, chủ các website này sẽ lấy thông tin của họ, sau đó vào website của ngành Đường sắt đặt mua vé rồi gửi mã vé cho hành khách và lấy giá cao gấp nhiều lần.

Đối với vé máy bay cũng vậy, càng vào dịp lễ tết, các website giả mạo bán vé ngày càng nhiều. Cảnh báo của ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA thì các website giả mạo tên các hãng hàng không tại Việt Nam chỉ khác biệt duy nhất 1 chữ cuối, thậm chí chỉ khác 1 chữ cái “s”. Không ít khách hàng mua vé máy bay tại các trang giả mạo này đã bị mua vé hết hạn hoặc vé giả.

Gần đây nhất là vụ hàng chục lao động Việt Nam ở Nhật Bản đã làm đơn tố cáo đối tượng lừa đảo hàng tỉ đồng bằng giả danh là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội đứng ra gom tiền hứa hẹn mua được vé máy bay Tết giá rẻ hơn nhiều các đại lý khác. Với cam kết trả hoa hồng 7,5-10%, đối tượng này đã tạo được một mạng lưới khách hàng đông đảo tại Nhật, thậm chí một số lao động còn đứng ra thu gom danh sách mua vé với tổng trị giá tiền lên đến cả tỉ đồng. Ngoài ra, việc nhượng vé máy bay cũng diễn ra thường xuyên, nhiều trường hợp khi ra đến sân bay mới biết vé bị hủy khi mua qua các đại lý "ảo" trên Facebook, Zalo.

Cẩn thận với chiêu giả mạo trúng thưởng

Một trò lừa đảo mới xuất hiện là gọi điện thoại thông báo trúng quà tặng, yêu cầu trả phí chuyển hàng hàng trăm ngàn đồng hay trúng thưởng phiếu mua điện thoại xịn nhưng phải đóng thêm một khoản tiền để nhận về 1 chiếc điện thoại rởm. Nạn nhân là chị Phạm Thu H. ở Thanh Xuân, Hà Nội vào chiều 5-1 vừa qua đã nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên công ty sản phẩm Việt có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thông báo chị H. trúng thưởng 1 phần quà của công ty trong chương trình quà tặng cuối năm gồm toàn hàng nhập ngoại: 1 chai nước hoa Chanel, 1 máy đuổi muỗi, 1 bộ mặt nạ đắp mặt. Nhân viên này xin tên, địa chỉ để chuyển quà qua đường chuyển phát nhanh và yêu cầu chị H. thanh toán cước phí chuyển phát là 280.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì địa chỉ công ty mà đối tượng thông báo chỉ là địa chỉ “ma”.

Một trò lừa tương tự như vậy là giả mạo các kênh truyền hình bán hàng, các công ty (lấy địa chỉ “ma”) thông báo lừa người dân trúng thưởng phiếu quà tặng mua điện thoại thông minh đắt tiền, tuy nhiên phiếu quà tặng không đủ nên yêu cầu người trúng thưởng gửi thêm tiền mặt để gửi điện thoại về, sau đó chiếm đoạt tiền, hoặc chỉ gửi điện thoại rởm...

Cảnh sát công nghệ cao Công an TP Hà Nội khuyến cáo, thủ đoạn lừa đảo trên mạng của các đối tượng ngày càng tinh vi, đòi hỏi người sử dụng Internet và mạng xã hội phải cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình. Do chủ quan, không coi trọng bảo mật thông tin cá nhân niên nhiều người thường sử dụng cùng một tên tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau. Chỉ cần để lộ những thông tin này trên một dịch vụ có thể khiến người dùng mất quyền kiểm soát đối với tất cả tài khoản số của mình.

Tại Việt Nam hiện nay, mỗi ngày có hàng triệu người kết nối Internet để mua sắm, thực hiện các giao dịch ngân hàng. Đặc biệt dịp lễ, tết là thời điểm các trang web bán hàng trực tuyến tung ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh việc đề phòng các website giả mạo thì người dùng cần tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, đặc biệt không tiết lộ mã PIN tài khoản. Máy tính và điện thoại thông minh khi kết nối Internet cần được bảo vệ bằng các phần mềm bảo mật cập nhật nhất và phần mềm chống virus có bản quyền. Lựa chọn các trang web, Facebook bán hàng có uy tín và đã được kiểm chứng.

Nhân Mã

Theo tbck.vn