"Không chấp hành đầy đủ quy định tối thiểu' về phòng cháy

Tối 12.10, tờ Thanh Niên dẫn lời Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.Hà Nội cho biết, chung cư CT4 Xa La được quản lý bởi phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9, phụ trách khu vực quận Hà Đông.

Ngày 3.11.2014, Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng cháy chữa cháy, do đại tá Sơn làm Phó trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra tại cụm chung cư CT4 Xa La. Đoàn liên ngành ghi nhận, cụm chung cư CT4 ở khu đô thị Xa La đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy nhưng chưa đầy đủ.

“Qua kiểm tra, cụm chung cư CT4 Xa La cũng đảm bảo được một số yếu tố như xe chữa cháy có thể tiếp cận được tòa nhà; có hệ thống chữa cháy tự động lắp tại tầng hầm, họng tiếp nước, trụ nước chữa cháy ngoài tòa nhà, bình chữa cháy cục bộ, hệ thống báo cháy... Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại.

Hiện trường đám cháy ở tòa CT4A Xa La.

Hiện trường đám cháy ở tòa CT4A Xa La.

“Đây là đầu tư không đầy đủ, cái cần có để đảm bảo an toàn thì lại không có, chưa nói đến chất lượng của thiết bị, mà đơn giản là không chấp hành đầy đủ những quy định tối thiểu về một tòa nhà cao tầng phải có.

Năm 2014, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã có bản kiến nghị hoàn thiện nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Xảy ra vụ cháy như vậy là trách nhiệm lớn thuộc về chủ đầu tư.

Nếu ngay sau khi kiến nghị của lực lượng phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ như thiết kế hệ thống hút khói, lắp bổ sung hệ thống tăng áp ở khu vực thoát hiểm để bơm khí tươi liên tục vào khi có sự cố, ở khu vực thông tầng dùng vật liệu chống cháy bịt kín thì chắc chắn khói không xông khắp các tầng của tòa nhà mà bị nhốt ở dưới tầng hầm rồi được giải thoát bởi hệ thống hút khói ra ngoài hoạt động tốt.

Khói không tích tụ được lâu trong hầm sẽ không gây tăng nhiệt độ khiến quá trình cháy lan bị hạn chế chậm hơn. Khi đó, cộng với tác động của lực lượng phòng cháy chữa cháy thì chắc chắn, hiệu quả khống chế đám cháy sẽ tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại về tài sản”, ông Sơn cho hay.

Về nguyên nhân vụ cháy, đại tá Sơn cho biết, do công tác giám định hiện trường đám cháy chưa có kết quả nên chưa thể đưa ra chính xác. Tuy nhiên, căn cứ theo lời khai của người dân rằng trước khi đám cháy xảy ra đã phát hiện điện của tòa nhà chập chờn, không ổn định. Sau một thời gian ngắn thì có tiếng nổ lớn ở tầng hầm.

Sau tiếng nổ ấy là mất điện toàn bộ tòa nhà và đám cháy bùng phát. Từ đó, có thể nhận định nguyên nhân bùng phát đám cháy từ nguồn điện trong tòa nhà.

Ông Sơn cũng cho hay, đã yêu cầu Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ phải gửi báo cáo về tình hình thực hiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy tại tất cả các khu chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên vẫn chưa thực hiện.

“Trong một văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội không cấp phép dự án mới cho Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên cho đến khi thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị về phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư làm chủ đầu tư”, lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hà Nội nói.

Đại tá Sơn cho biết thêm Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hà Nội từng kiến nghị UBND TP.Hà Nội xử phạt 133 triệu đồng đối với Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên về các lỗi ở chung cư CT4 Xa La như đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; không tổ chức thực hiện văn bản phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn...

Trước đó, nói về vụ cháy ngày hôm qua ở toà nhà CT4A, Đại tá Tô Xuân Thiều PGĐ cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP. Hà Nội cho hay: "Chỉ sau 5 phút nhận được thông tin cháy, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã có mặt ở hiện trường.

Lực lượng chức năng đã huy động 21 chiếc xe cứu hoả các loại trong đó có 7 xe thang. Khi tới hiện trường, chúng tôi thấy có một tiếng nổ rất to và khói phát từ đó ra".

Trước thông tin có khoảng 1000 chiếc xe máy bị thiêu rụi, Đại tá Thiều cho hay: "Có khoảng hơn 200 chiếc xe máy bị cháy, còn 1000 chiếc xe máy là tổng số xe máy có ở khu đó. Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi đã chữa để chống cháy lan".

Theo vị PGĐ cảnh sát PCCC này, toà nhà CT4A có hai hầm, một hầm để ô tô và một hầm để xe máy.

"Khi chúng tôi tới nơi thì chúng tôi xác định là khu vực bị cháy ở hầm 1 - hầm chứa xe máy của toà nhà CT4A. Hầm để xe máy và hầm để ô tô thông nhau. Hầm chứa xe máy được chia làm 3 khoang, cháy ở khoang 1, dưới đáy của toà nhà CT4A.

Hầm 2 chứa khoảng 100 ô tô không bị làm sao. Nếu lửa lan đến hầm chứa ô tô thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều", Đại tá Thiều chia sẻ.

Các lực lượng chức năng đã huy động 21 xe cứu hoả các loại

Các lực lượng chức năng đã huy động 21 xe cứu hoả các loại

Khi xảy ra cháy, người dân nên làm gì?

Trước sự lo lắng của không ít người dân về tình trạng trong thời gian vừa qua có một số vụ cháy xảy ra ở một số chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội, Đại tá Thiều cho rằng:

"Qua các vụ cháy xảy ra trên địa bàn Thủ đô vừa qua và đặc biệt là các vụ cháy ở các chung cư, tôi thấy trách nhiệm của các chủ đầu tư là phải thực hiện nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong xây dựng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đồng thời phải lắp đầy đủ tất cả các thiết bị về báo cháy, phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, để khi xảy ra sự cố cháy thì chúng ta có thể huy động các phương tiện đó để sử dụng ngay.

Ngoài ra, chủ đầu tư hoặc ban quản lý toà nhà phải có đội ngũ về phòng cháy chữa cháy cơ sở hoặc dân phòng hiểu biết công tác phòng cháy, chữa cháy để đôn đốc mọi người thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.

Khi có vụ cháy xảy ra, lực lượng ở cơ sở này có thể sử dụng ngay những phương tiện chữa cháy được trang bị ở toà nhà để chữa cháy nhanh nhất có thể. Việc phát hiện và chữa cháy sớm sẽ giảm thiệt hại đáng kể".

Về trách nhiệm của người dân, ông Thiều cho rằng: "Người dân sống trong chung cư phải thực hiện nghiêm nọi quy của toà nhà về công tác phòng cháy, chữa cháy để không xảy ra hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại khi hoả hoạn xảy ra.

Đối với người dân sinh sống tỏng toà nhà, theo tôi, mọi người nên hiểu và có trách nhiệm với công tác phòng cháy chữa cháy đặc biệt là nên đi nghe những buổi tuyên truyền về kỹ năng thoát nạn khi xảy sự cố cháy".

"Khi nghe có báo động cháy thì phải huy động mọi người ra nơi thoát nạn nhanh nhất là cầu thang bộ để tránh thiệt hại về người.

Mọi người đều phải có trách nhiệm chung thì chắc chắn tình hình cháy sẽ giảm và nếu có xảy ra thì sớm dập tắt được", vị Đại tá này đưa ra lời khuyên./.

Nhật Linh (Tổng hợp)/ Theo Ngày nay Online