Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em

Từ 5/11/2019, hành vi hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi là phạm tội Dâm ô trẻ em

Từ ngày 5/11/2019, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hiệu lực.

Nghị quyết này định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô trẻ em. Theo đó, dâm ô là hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận của người dưới 16 tuổi, có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như: Hôn người dưới 16 tuổi…

Cũng theo Nghị quyết, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không buộc bị hại phải tham gia phiên tòa…

Hàng loạt văn bản về cán bộ, công chức bị bãi bỏ

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Từ ngày 15/11/2019, Thông tư 11/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ sẽ có hiệu lực. Kể từ ngày này, hàng loạt văn bản liên quan đến cán bộ, công chức chính thức bị bãi bỏ. Trong đó phải kể đến một số văn bản như:

- Thông tư số 05 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 159 năm 2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn;

- Thông tư số 07 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

- Thông tư số 05 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15 năm 2007 về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện;

- Quyết định số 135 năm 2005 của Bộ Nội vụ ban hành quy chế bồi dưỡng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

- Quyết định số 04 năm 2008 của Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thanh tra…

Chính thức mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Ngày 01/11/2019 đánh dấu sự kiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực.

- Về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật chính thức mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…

Trong đó, cá nhân chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp tất cả dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

- Về việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Luật bổ sung thêm quy định việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Theo quy định hiện hành, chủ sở hữu nhãn hiệu phải sử dụng liên tục nhãn hiệu; không sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực.

Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động vay đến 100 triệu đồng

Ngày 8/11/2019, Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm sẽ chính thức có hiệu lực.

Nghị định mới đã tăng gấp đôi hạn mức cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động. Cụ thể:

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

- Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Đồng thời, Nghị định này cũng nới thời hạn vay vốn lên đến 120 tháng, trong khi trước đây chỉ là 60 tháng.

Chỉ với những khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới phải có tài sản đảm bảo tiền vay (trước đây là 50 triệu đồng).

Theo Gia đình & Xã hội