Sáng 23/10, Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận ở hội trường để tiếp thu hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. 

Trong Dự thảo Luật, nhiều chính sách được đề xuất như: Chính sách tăng giờ làm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, người lao động muốn tăng thu nhập; đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với tình trạng già hoá dân số và nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động… Đây là những vấn đề đang được các Đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo Luật.

10 điểm mới đối với người lao động

Cũng trong sáng nay, trước khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh đã thông tin những điểm mới sau nhiều lần chỉnh lý.

Bảo đảm bình đẳng giới đã được thay đổi về quan điểm tiếp cận bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế của Bộ luật Lao động hiện hành nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ mà vẫn bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về lao động.

10 điểm mới đối với người lao động bao gồm:

- Lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động.

- Quy định nguyên tắc về chính sách nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

- Chế định về hợp đồng lao động đã quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

- Bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.

- Điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

- Quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với người lao động, nhất là những lao động tại các doanh nghiệp chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động nhiều doanh nghiệp.

- Quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên.

- Bảo đảm bình đẳng giới đã được thay đổi về quan điểm tiếp cận bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế của Bộ luật Lao động hiện hành nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ mà vẫn bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về lao động.

- Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế.

- Quy định linh hoạt hơn, quyền lựa chọn cơ chế giải quyết sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, không quy định sự can thiệp, giải quyết hành chính của nhà nước đối với giải quyết tranh chấp lao động. Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Quốc hội sẽ dành cả ngày 23/10 để thảo luận về dự thảo bộ luật và dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp. 

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công.

Dự thảo cũng lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.

Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11.

Theo Gia đình Việt Nam