HĐND thành phố Sầm Sơn nhận thiếu sót
Ngày 9/8/2019, HĐND thành phố Sầm Sơn đã có văn bản số 119/HĐND – TTr về việc trả lời đơn của ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền liên quan tới phản ánh cơ quan này ra văn trái luật về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của doanh nghiệp Phương Hiền.
Tại văn bản này, HĐND thành phố Sầm Sơn nêu rõ: “Việc ban hành văn bản nêu trên là chưa cập nhật văn bản số 2273/UBND-CN ngày 28/2/2019 của UBND tỉnh; Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 của UBND tỉnh”.
Tiếp đó, ngày 10/8/2019, HĐND thành phố Sầm Sơn tiếp tục có văn bản gửi ông Cao Duy Hồng cùng các cơ quan thông tấn báo chí đồng thời thừa nhận thiếu sót trong quá trình ban hành văn bản mang tính “cấm vận” việc buôn bán xe điện của doanh nghiệp:
“Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Sầm Sơn rất mong ông Cao Duy Hồng – Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền thông cảm cho những thiếu sót trong quá trình ban hành văn bản số 78/HĐND-TTr ngày 12/6/2019”.
Trước đó, ngày 12/6/2019, bà Vũ Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND thay mặt Thường trực HĐND thành phố Sầm Sơn ký ban hành văn bản số 78/HĐND-TTr về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền.
Nội dung văn bản số 78/HĐND-TTr ghi rõ: “Căn cứ chủ trương và các Quyết định (Quyết định số 1040/2013/QĐ-UBND ngày 01/04/2013; Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 9/03/2018) của UBND tỉnh Thanh Hóa về hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng xe điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tính đến nay trên địa bàn thành phố có 474 phương tiện xe điện tham gia hoạt động.
Tuy nhiên, qua theo dõi và nắm bắt, hiện nay Công ty TNHH Phương Hiền do ông Cao Duy Hồng, ở khu phố Khánh Sơn, phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn làm Giám đốc đã đưa về Sầm Sơn 07 xe điện (loại xe 4 bánh, 15 chỗ ngồi) và thực hiện rao bán. Có một số hộ dân đã liên hệ mua xe. Dự kiến công ty sẽ tiếp tục đưa thêm 45 xe về Sầm Sơn.
Việc Công ty TNHH Phương Hiền mua xe điện và rao bán trong nhân dân là việc làm trái với chủ trương của tỉnh và thành phố về công tác quản lý, lộ trình tăng xe điện trên địa bàn”.
Văn bản này đưa ra khuyến cáo: “Tăng cường công tác giám sát hoạt động của Công ty TNHH Phương Hiền, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh xe điện; khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của tổ chức, cá nhân chưa được chấp thuận của UBND tỉnh, trong đó nhấn mạnh cử tri và nhân dân về tạm thời không tăng thêm số lượng xe điện trong năm 2019 theo công văn 14698/UBND-CN, ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh”.
Sở Tư pháp sau khi nhận được đơn thư phản ánh của ông Cao Duy Hồng đã vào cuộc làm rõ nội dung văn bản nêu trên. Quá trình kiểm tra, cơ quan này cho rằng, tất cả các nội dung trong văn bản nêu trên đều không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra, Sở Tư pháp Thanh Hóa chỉ rõ các vi phạm trong việc ban hành văn bản số 78 của HĐND thành phố Sầm Sơn cụ thể như sau:
"Về thẩm quyền: Việc quản lý hoạt động của xe điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Sầm Sơn. Thường trực HĐND thành phố Sầm Sơn ban hành Văn bản số 78/HĐND-TTr ngày 12/6/2019 về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền là không phù hợp với thẩm quyền của Thường trực HĐND quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về cơ sở pháp lý: Văn bản số 78/HĐND-TTr căn cứ vào Quyết định số 1040/2013-UBND ngày 1/3/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành về việc tổ chức và hoạt động thí điểm xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thị xã Sầm Sơn năm 2013 và 2014; Quyết định số 06/2018-UBND ngày 9/3/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định tổ chức và quản lý hoạt động thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyển khách trên địa bàn thành phố Sầm Sơn là không phù hợp bởi các văn bản này đã hết hiệu lực.
Về nội dung: Tại văn bản số 78/HĐND-TTr có nội dung khẳng định: “Việc Công ty TNHH Phương Hiền mua xe điện và rao bán trong nhân dân là trái với chủ trương của tỉnh Thanh Hóa” là thiếu cơ sở pháp lý bởi tỉnh Thanh Hóa không có chủ trương cấm Công ty TNHH Phương Hiền kinh doanh xe điện.
Mặt khác, việc kinh doanh xe điện là hoạt động kinh doanh không bị pháp luật cấm hay nói cách khác là quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 33. Nội dung này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng tại Văn bản số 78/HĐND-TTr có nội dung yêu cầu Đại biểu HĐND thành phố và HĐND các xã, phường với tinh thần tuyên truyền và khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH; tăng cường công tác giám sát hoạt động của Công ty TNHH Phương Hiền là trái với chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị qyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2010 và không phù hợp với Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015”, văn bản của Sở Tư pháp nêu.
Từ kết quả kiểm tra nói trên, Sở Tư pháp đề nghị Ban Pháp chế HĐND tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Điều đáng lưu ý là, trước và sau khi văn bản số 78 của HĐND thành phố Sầm Sơn được ban hành, Thành ủy Sầm Sơn cũng đã ban hành hàng loạt văn bản khác (văn bản số 3283-CV/TU; 3339-CV/TU về việc đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền để lưu thông trên địa bàn thành phố). Tất cả các văn bản này đều do ông Mai Xuân Liêm, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn ký và được gửi tới Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Thường trực Thành ủy...
Các văn bản này đều có nhiều nội dung tương tự như văn bản số 78 của HĐND thành phố Sầm Sơn vừa bị Sở Tư pháp “tuýt còi”.
Như vậy, căn cứ và đối chiếu với kết quả kiểm tra của Sở Tư pháp có thể thấy, nhiều nội dung trong văn bản của HĐND thành phố Sầm Sơn (và không loại trừ văn bản của Thành ủy Sầm Sơn) thể hiện rõ dấu hiệu tùy tiện, cẩu thả, thiếu hiểu biết pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Phải xử lý nghiêm vi phạm
Thực tế tình trạng nhiều cơ quan, ban ngành ban hành văn bản quy phạm pháp trái luật được phát hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, độ phủ rộng từ Trung ương tới địa phương, gây ảnh hưởng ít nhiều tới hiệu quả quản lý Nhà nước.
Một số chuyên gia đánh giá, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái luật sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với chủ thể chịu tác động trực tiếp từ những văn bản trái luật (là tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân).
Sẽ không công bằng khi doanh nghiệp nhận “được vạ” thì “má” đã "sưng", nhưng trách nhiệm của người ký, cán bộ tham mưu văn bản trái luật chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Trong vụ việc HĐND và không loại trừ Thường trực Thành ủy thành phố Sầm Sơn ban hành văn bản hết sức cẩu thả, có dấu hiệu thiếu trách trách nhiệm, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp là minh chứng rõ nét cho nhận định trên.
Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Trường hợp ra văn bản trái quy định pháp luật phải kỷ luật cả tập thể, người đứng đầu, người tham mưu trực tiếp văn bản”.
Cũng liên quan tới vụ việc nói trên, mới đây, ông Cao Duy Hồng vừa có đơn tố cáo gửi các cơ quan Trung ương, trong đó phản ánh về việc Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Sầm sơn tỉnh Thanh Hóa ban hành hàng loạt văn bản trái với chủ trương, đường lối của Đảng, trái quy định của pháp luật nhằm trù dập doanh nghiệp.
Vị Giám đốc doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật lãnh đạo, cán bộ, công chức chính quyền thành phố Sầm Sơn trong việc tham mưu, ban hành những văn bản trái quy định nói trên, đồng thời có văn bản công khai xin lỗi Doanh nghiệp Phương Hiền theo quy định.
Trong một diễn biến có liên quan, sau khi nhận được đơn phản ánh của ông Cao Duy Hồng liên quan đến sự việc nêu trên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện Quốc hội đã có phiếu chuyển đơn đến Chủ nhiệm UBKT Trung ương, đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Thể hiện quan điểm vụ việc nêu trên, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Nội dung văn bản trái luật này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; làm hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ riêng việc HĐND ra văn bản chỉ đạo, điều hành là không đúng rồi.
Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân người có thẩm quyền ký ban hành văn bản này. Xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người tham mưu xây dựng văn bản trái luật. Đồng thời cơ quan này có trách nhiệm tính toán những tổn thất, thiệt hại (nếu có) đối với doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục".