Thiếu hụt vốn, dòng tiền kinh doanh

Đại dịch COVID-19 diễn ra trong gần 2 năm nay đã khiến việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh trở thành vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí có tính chất sống còn đối với nhiều doanh nghiệp. Để ứng phó với tác động của đại dịch, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí hoạt động và duy trì tình hình tài chính; trong đó bao gồm hỗ trợ các khoản nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp hay giãn nộp bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, giãn thuế...

Dù những nỗ lực này được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng mỗi khu vực doanh nghiệp lại đón nhận các chính sách này theo những cách rất khác nhau.

Cụ thể, tại hội thảo: “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo kết quả một cuộc điều tra mới đây. Theo đó, trong số 12.000 doanh nghiệp được điều tra, có tới 57% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng...

doanh nghiệp
10% doanh nghiệp thiếu vốn và dòng tiền kinh doanh (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, tại hội thảo, đại diện VCCI cũng cho biết, ngoài việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì hiện nay gần 10% doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân hàng đầu được các doanh nghiệp nêu ra là không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.

Cụ thể, kết quả điều tra của VCCI, quá nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước.

Trong khi gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết, thủ tục vay vốn còn rất phiền hà và các ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, khoảng 38% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "việc bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng để được vay vốn là phổ biến"; thậm chí có hiện tượng "cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ"...

Một nguyên nhân khác cũng được nhiều chuyên gia đề cập là do cơ cấu vốn của các doanh nghiệp còn bất hợp lý.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) cho biết, hiện nay điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20 - 30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Để đảm bảo có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn, lấy nguồn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Theo đó, ông Thành cho rằng, điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nguy cơ ở phía doanh nghiệp là ở khía cạnh phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp; mặt khác việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.

Ông Thành dẫn số liệu, tính đến 31/3/2021, số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch là trên 1.800 doanh nghiệp, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 7.253.415 tỷ đồng. So với tổng số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm hiện nay (trên 800.000 doanh nghiệp) thì tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ chiếm 0,2%. Số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn hóa thị trường chứng khoán nói trên là khá nhỏ bé, khiêm tốn so với nhu cầu huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Giải pháp cho bài toán "khó nhằn" của các doanh nghiệp là gì?

Để bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, giải quyết việc mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn, cụ thể là bài toán về thiếu hụt vốn và dòng tiền kinh doanh, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể.

Ông Đặng Đức Thành đề xuất: “Muốn huy động nguồn vốn có hiệu quả phải tập trung vào xác định cơ cấu vốn tối ưu; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như huy động vốn từ vốn góp ban đầu; huy động vốn từ lợi nhuận không chia mà dùng để tái đầu tư... Trong đó, huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng quản trị”.

Phân tích thêm về những giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Lê Anh Tú, Phó Chủ tịch VEC đánh giá rất cao về hệ thống tiền mã hóa đã và đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Hiện có trên 40 ngân hàng Trung ương toàn cầu đang nghiên cứu loại tiền này.

Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng lại đề xuất, các doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, thiện chí hợp tác, phối hợp với định chế tài chính trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp; Đa dạng hóa nguồn vốn, ứng dụng công nghệ thông tin tính toán cấu trúc vốn tối ưu (optimal capital structure); Chủ động tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (nên có chuyên viên về quản lý tài chính/vốn); Tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi giá trị (nhất là liên kết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); và Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bài bản hơn; xây dựng và thực thi chiến lược “Kinh doanh số”.

Theo Minh Thư/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/10-doanh-nghiep-thieu-von-va-dong-tien-kinh-doanh-20201231000002144.html