Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ thường hay mắc nhất vào mùa đông, thời tiết lạnh giá. Trẻ em thường bị cảm cúm 6-7 lần/ năm, trong có khoảng 10-15% trẻ bị cảm cúm nhiều hơn 12 lần/năm.

Trẻ bị cảm cúm thường bị chảy nước mũi (Ảnh: Vinmec)

Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như: đau đầu, sốt nhẹ, mỏi cơ, chán ăn, mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi, chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, nhưng sau đó thường trở nên đặc hơn và biến màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

Để phòng tránh cảm cúm cho trẻ, bố mẹ cần chú ý giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ cho trẻ. Cho con uống nước ấm và không cho ăn đồ lạnh, bổ sung những thực phẩm giàu protein, vitamin C từ hoa quả, rau xanh, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Ngoài ra, bạn cũng  cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là những người bị cúm. Không quên tiêm phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi vào mỗi năm.

Bệnh quai bị

Quai bị thương bùng phát vào mùa đông xuân, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh nhiễm khuẩn do virus Paramyxo gây ra và thường lây qua đường hô hấp, nếu như không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, teo tinh hoàn.

Khi trẻ bị mắc bệnh quai bị thường xuất hiện các triệu chứng như sốt, sưng quai hàm và đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt, thường là tuyến nước bọt mang tai, đôi khi là tuyến dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm trên.

Bệnh quai bị nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Để phòng bệnh qua bị cho trẻ, bố mẹ cần giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh, thường xuyên giữ ấm cơ thể và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài. Quan trọng nhất là tiêm phòng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để ngừa bệnh hiệu quả.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong những căn bệnh thường gặp vào mùa đông ở trẻ. Đặc biệt, trẻ từ 3 – 24 tháng tuổi thường hay mắc phải bệnh do loại virus Rota gây ra. Khi bị tiêu chảy trẻ thường sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối quá nhiều dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời.

Tiêu chảy thường gặp ở trẻ từ 3-24 tháng tuổi (Ảnh minh họa)

Để phòng bệnh bố mẹ cần cho trẻ ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé, hạn chế cho con tiếp xúc với các vật nuôi trong nhà hoặc người bị tiêu chảy. Tăng cường dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ để nâng cao hệ miễn dịch. Ngoài ra, cần phải cho trẻ tiêm phòng vaccine virus Rota từ khi được 6 tuần tuổi.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... rất dễ bị viêm phế quản. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa đông xuân khi trời trở lạnh.

Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày sau đó giảm dần rồi khỏi hẳn.

Trẻ bị viêm phế quản thường ho và sốt cao (Ảnh minh họa)

Để phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ cần vệ sinh sạch sẽ khu vực tai, mũi, họng mỗi ngày cho con bằng nước muối sinh lý. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với các mầm bệnh. Với trẻ sơ sinh, mẹ cần cho bú sữa mẹ cho đến 12 tháng tuổi, không để trẻ bị lạnh.

Theo Gia đình Việt Nam