Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), năm 2020, công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã được tăng cường. Bộ LĐTB&XH đã đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em; phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em”; nâng cao hiệu quả hoạt động Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.

Đến nay thống kê toàn quốc phát hiện 2.209 đối tượng, xâm hại 2.008 em, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục trẻ em. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 687.750 cuộc gọi, tăng 180.793 cuộc so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 29.507 cuộc gọi tư vấn và cung cấp thông tin.

Trong đó, tổng đài can thiệp, hỗ trợ 1.295 ca, cao nhất từ trước tới nay, trong đó có 623 ca can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, 307 ca can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, 122 ca can thiệp bóc lột trẻ em, 55 ca can thiệp trẻ bị bỏ rơi, 30 ca trẻ em bị mua bán và các trường hợp khác.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tích cực triển khai phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em (triển khai theo dõi việc cấp phát, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; theo dõi tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em; công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật; đặc biệt là truyền thông, quản lý, theo dõi, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em); duy trì, phát triển các điểm vui chơi cho trẻ em, thực hiện quyền tham gia của trẻ em; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ cho 16.256 lượt trẻ em với tổng kinh phí hỗ trợ 6,63 tỷ đồng; tại địa phương đã hỗ trợ cho 1.433.992 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với tổng số tiền gần 111,2 tỷ đồng.

Trong 3 năm qua (từ năm 2017 đến năm 2019), các tỉnh, thành phố đã tổ chức được 3.403 Diễn đàn trẻ em các cấp, trong đó 133 Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, 642 Diễn đàn trẻ em cấp huyện, 2.628 Diễn đàn trẻ em cấp xã. Diễn đàn trẻ em quốc gia trong giai đoạn 2016-2020 được tổ chức 2 lần vào năm 2017 và 2019 với 45 thông điệp, kiến nghị và 55 câu hỏi của trẻ em gửi đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành.

Đồng thời, trong 5 năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 429,2 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho trên 590 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hỗ trợ trên 352 tỷ đồng.

Đến nay có 6,2 triệu ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn, 6.000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, cuối năm 2020 có 72% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em...

Trong năm 2021, Bộ LĐTB&XH xác định sẽ chú trọng công tác phát triển toàn diện trẻ em; thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; thực hiện các giải pháp tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh; chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tai nạn, thương tích ở trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...

Theo Pháp luật xã hội

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/590-nghin-luot-tre-em-co-hoan-canh-dac-biet-duoc-ho-tro-tren-352-ty-dong-224526.html