Việc rửa bát thủ công thường tốn của bạn ít nhất khoảng 20 đến 30 phút và có thể lâu hơn tùy thuộc vào lượng bát đĩa bẩn của gia đình. Chưa kể, việc tiếp xúc thường xuyên với nước rửa chén sẽ khiến làn da của bạn khô ráp, bong tróc. Thay vì phải luôn vùi đầu vào mớ chén đĩa bẩn sau mỗi bữa ăn của gia đình, các bà nội trợ hoàn toàn có quyền dành thời gian làm đẹp cho bản thân hay nuôi dạy con cái tốt hơn khi sở hữu một chiếc máy rửa bát trong nhà.
Phần đông các bà nội trợ Việt Nam hiện nay chưa có thói quen sử dụng máy rửa bát. Một số người còn tin rằng máy rửa bát hao tốn nước, điện năng, nước rửa chén, mất thời gian, gây ồn ào mà chén đĩa vẫn không hoàn toàn sạch bẩn. Với những định kiến bị ảnh hưởng từ những người xung quanh, bạn sẽ luôn đặt cho mình câu hỏi "Có nên mua máy rửa chén không?"
Những sự thật được chia sẻ từ bài viết này sẽ giúp bạn thay đổi hoàn toàn góc nhìn về chiếc máy rửa bát:
Áp lực nước được phun ra từ các vòi phun và cánh quạt của máy rửa bát mạnh hơn rất nhiều so với khi bạn rửa bằng tay nên khả năng làm sạch rác rất cao. Ảnh minh họa.
1. Gây tốn nước
Theo một số khảo sát, mỗi lần rửa chén bằng tay chúng ta cần tiêu tốn 1 lượng nước khoảng 40 lít và đối với gia đình có thói quen xả chén trực tiếp dưới vòi nước thì số lượng nước này còn nhiều hơn.
Còn khi khảo sát đối với các loại máy rửa chén thì số lượng nước tiêu tốn tối đa từ 14 đến 26 lít nước và có thể thấp hơn đối với các dòng máy cao cấp, thậm chí chỉ khoảng từ 6-7 lit nước 1 chu trình.
Với kết quả khảo sát này thì có thể thấy, máy rửa chén có thể tiết kiệm được 1 lượng nước đáng kể so với cách rửa chén truyền thống phải tráng qua nhiều lần.
2. Tiêu thụ nhiều điện năng
Đây là quan niệm ngay cả nhiều người dùng tại Mỹ cũng hiểu sai về máy rửa bát. Để có bát đũa sạch hoàn toàn, khi rửa bằng tay, người dùng cũng cần phải sử dụng nước nóng. Điện năng tiêu thụ vì vậy phải tính bao gồm cả chi phí cho máy nước nóng. Với máy rửa bát, hầu hết đều có máy sưởi bên trong giúp làm ấm nước hiệu quả hơn máy nước nóng. Các máy có chứng nhận Energy Star có thể tiết kiệm một nửa chi phí so với rửa bằng tay thông thường kết hợp dùng máy nước nóng, theo Cnet.
Tại Việt Nam, không nhiều người có thói quen sử dụng nước nóng để rửa bát hoặc nếu có, chỉ là khi sử dụng vào mùa lạnh để trôi vết bám bẩn như dầu mỡ.
Ngoài ra, các sản phẩm máy rửa bát đến từ thương hiệu nổi tiếng và uy tín hiện nay đều có mức hiệu quả năng lượng tiêu thụ từ A+ trở lên. Điều này có nghĩa là các bà nội trợ không cần phải lo lắng về hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Có nhiều quan điểm cho rằng sử dụng máy rửa chén sẽ làm tiêu tốn điện năng. Thế nhưng, trên thực tế các loại máy rửa chén lại tiêu tốn một lượng điện năng hợp lý và thấp hơn so với nhiều thiết bị gia dụng khác.
3. Rửa không sạch
Trên thực tế thì máy rửa chén sẽ có nhiều chương trình cho người dùng lựa chọn. Máy cũng hoạt động theo cơ chế dùng áp lực nước cao, kết hợp với bột rửa, phun đều khắp ngăn chứa giúp làm sạch hiệu quả các vết bẩn ở những nơi nhỏ hẹp nhất.
Máy rửa chén sử dụng nước nóng ở nhiệt độ từ 40 đế 70 độ C phun trực tiếp lên chén, đĩa, ly giúp nâng cao hiệu quả làm sạch các vết bẩn từ thức ăn còn bám lại. Trong khi đó, tay người không thể chịu được nước ở nhiệt độ này trong thời gian dài. Giai đoạn cuối cùng là sấy khô giúp khử khuẩn tốt cho chén, đĩa sạch sẽ hơn.
4. Gây ồn
Thực ra rửa chén theo cách thủ công của người dùng Việt Nam cũng gây ra tiếng ồn ào đáng kể đó chứ nhỉ? Không chỉ tiếng va chạm giữa các bát, đĩa, ly, tách... mà đôi khi còn là tiếng rơi vỡ những lúc bạn sơ ý làm rớt chúng.
Máy rửa chén có sức chứa lớn hay nhỏ, công suất hoạt động cao hay thấp sẽ có tiếng ồn khác nhau. Việc giúp bạn rửa sạch hết đống chén, đĩa sau một bữa tiệc hoành tráng của gia đình thì tiếng ồn không đáng kể từ máy rửa chén sẽ không làm bạn khó chịu đâu.
5. Máy rửa chén là "ổ" vi khuẩn
Trên thực tế, máy rửa chén bát có thể tích tụ vi khuẩn, nhưng nó chắc chắn hợp vệ sinh hơn là rửa bằng tay. Rửa bằng nước 60 độ C có thể quá nóng cho đôi tay, nhưng lại hoàn toàn phù hợp trong máy rửa.
Ngoài ra, để giữ vệ sinh cho máy rửa bát, bạn nên lau chùi mỗi tuần. Vài tháng một lần, bạn đặt bát dấm trắng vào ngăn cuối cùng của máy rửa không tải, chạy máy theo chế độ nước nóng nhất để tẩy bỏ bụi bẩn, dầu mỡ tích tụ.
Có nhiều người cho rằng máy rửa chén sẽ không thể rửa nhanh bằng rửa tay được. Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.
6. Phải rửa nhiều bát mới cần đến máy
Suy nghĩ này không sai hoàn toàn. Trang Cnet cũng lưu ý các mức tiêu hao so sánh được đánh giá dựa trên lượng bát, cốc đủ lấp đầy một máy rửa bát. Vì vậy người dùng cần lựa chọn loại phù hợp với nhu cầu gia đình, tránh lãng phí.
Hiện nay nhiều dòng máy mới có tính năng rửa nửa tải, chỉ tiêu tốn khoảng 6 đến 7 lít nước khi người dùng chọn mức bát đũa ít. Một số máy còn có tính năng "rửa cộng dồn" khi chỉ rửa sơ ở bữa thứ nhất, sau đó mới chạy đủ chu trình khi được lấp đầy bát đũa.
7. Tốn thời gian
Một số bà nội trợ truyền tai nhau rằng máy rửa chén làm sao có thể đánh bại kỷ lục rửa chén bằng tay 20 phút của họ. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác. Với máy rửa chén, sau khi đổ đi thức ăn thừa và rác bẩn, bạn chỉ cần sắp xếp chén, đĩa, ly vào ngăn nắp mà không cần phải thực hiện giai đoạn tráng qua nước. Sau đó, bạn khởi động máy, chọn chương trình phù hợp và a lê hấp... không cần bận tâm đến đống chén dơ đó nữa mà có thể làm bất kỳ việc gì mình muốn.
Nhiều hữu ích để sở hữu, tuy nhiên giá thành của máy rửa chén hiện tại cũng không rẻ. Cho nên người dùng cần cân nhắc thật cẩn thận và lựa chọn kỹ chiếc máy rửa chén phù hợp cho gia đình của mình.