Từ tháng 6/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã “giới thiệu” tới Cục đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) về Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội là đơn vị trực tiếp thương thảo ký hợp đồng, làm thủ tục mua tàu cũ. Thế nhưng, dự án đầu tư mua sắm tài sản rất lớn này lại chưa được ĐHCĐ của Đường sắt Hà Nội xem xét, thông qua (!?)
Ngày 3/2/2016, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Đường sắt Hà Nội mới công bố Nghị quyết, Biên bản họp ĐHCĐ lần 1 đã diễn ra ngày 18/1/2016 để thành lập Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội. Đại hội đã bầu ra HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2020 để điều hành công ty trong giai đoạn hậu cổ phần hoá.
Với sự tán thành 100%, 5 cá nhân đã trúng cử vào HĐQT mới gồm: ông Nguyễn Phú Cường- giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Viết Hiệp- Thành viên kiêm Tổng giám đốc, ông Trần Quốc Đạt, Đỗ Văn Hoan và Lê Minh Tuấn…
Dự án mua “phế liệu” ?
Cùng ngày 3/2, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội gây chú ý khi đề xuất nhập tới 160 toa tàu cũ từ Trung Quốc (loại khổ 1m). Trong đó có 120 toa được sản xuất từ hơn 20 năm trước và gần 20 toa có tuổi đời 12 năm… Theo Đường sắt Hà Nội, việc mua tàu cũ đã được Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm của HĐTV, Ban lãnh đạo Tổng công ty và các cán bộ liên quan vụ mua tàu “đồng nát” này.
Vì trong văn bản gửi Cục đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), tổng công ty đã giao cho các đơn vị đường sắt (Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt) trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng. Đồng thời, Bộ trưởng đã yêu cầu thôi cử ông Nguyễn Viết Hiệp- Tổng giám đốc là Người đại diện vốn nhà nước tại công ty này.
Sau “cú phanh gấp” của Bộ trưởng Thăng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới tiến hành họp (ngày 4/2) để xử lý cán bộ theo chỉ đạo của Bộ này.
Song đến nay, kết quả xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể vẫn chưa được công bố. Còn ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Đường sắt Hà Nội thanh minh rằng “do cách viết của anh em tham mưu trong các văn bản không được thoát, cá nhân tôi cũng ký các công văn, văn bản gửi đi xin ý kiến khiến sự việc bị hiểu sai. Đây là lỗi của chúng tôi”.
Ai chủ trương cho phép Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội mua 160 tàu cũ từ Trung Quốc?
Thông tin Đường sắt Hà Nội xin mua 160 toa tàu cũ từ Trung Quốc đã gây chấn động dư luận. Vì quy định pháp luật hiện hành đã cấm nhập khẩu phương tiện cũ tuổi trên 10 năm về Việt Nam nhằm ngăn chặn nhập khẩu ồ ạt phương tiện cũ nát về khai thác, không đảm bảo an toàn vận hành, làm thiệt hại vốn nhà nước, nguy cơ biến Việt Nam thành bãi thải phế liệu…
Câu hỏi đặt ra là: Ai đã chủ trương, đề xuất nhập lô 160 toa tàu cũ, để Đường sắt Hà Nội được phép đàm phán trực tiếp ký hợp đồng mua bán tàu với phía Trung Quốc? Bởi Đường sắt Hà Nội hiện không đủ thẩm quyền và nguồn vốn để tự thực hiện đầu tư tài sản giá trị rất lớn như vậy.
Những ai liên quan?
Sau cổ phần hoá, Đường sắt Hà Nội hiện có vốn điều lệ hơn 800,58 tỷ đồng và cổ đông nhà nước chiếm 89% vốn điều lệ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đại diện sở hữu. Năm qua, công ty có doanh thu hơn 3.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn… 6,4 tỷ đồng.
Để cải thiện hiệu quả kinh doanh, tại ĐHCĐ ngày 18/1/2016, Ban lãnh đạo Đường sắt Hà Nội cho biết, “năm 2016 sẽ tiếp tục nâng cao sức chở, an toàn cho toa xe khách, toa xe hàng, tiếp cận công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với các dự án trọng điểm”.
Hiện, công ty có 8 dự án đã và đang đầu tư trong giai đoạn 2015-2017 với tổng mức vốn gần 915,65 tỷ đồng. Vốn đầu tư được cơ cấu gồm: 30% vốn khấu hao, 70% vốn vay ngân hàng.
Đáng chú ý là 3 dự án lớn nhất, cụ thể: dự án đầu tư mua 2 RAM đoàn tàu nhanh nhẹ HN-V với tổng mức vốn 563 tỷ đồng, triển khai tháng 10/2015, đến tháng 1/2017 hoàn thành. Dự án mua 250 toa xe Mc với tổng vốn 203 tỷ đồng, thực hiện từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2016; dự án nâng cấp 65 toa xe RAM tàu SE5/6 để thay thế RAM tàu SE1/2 với mức vốn 74,5 tỷ đồng…
Các dự án đầu tư mua sắm tài sản cần vôn lớn, riêng dự án mua đoàn tàu nhanh nhẹ HN-V có mức vốn bằng hơn 70% vốn điều lệ công ty. Tuy nhiên, ĐHCĐ ngày 18/1/2016 của Đường sắt Hà Nội lại không đề cập đến các dự án đầu tư này trong chương trình nghị sự.
Thông thường, Điều lệ của các doanh nghiệp quy định dự án đầu tư vượt trên 20% hay 50% vốn điều lệ thì phải trình ĐHCĐ biểu quyết thông qua để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả đầu tư vốn…
Nhưng Đường sắt Việt Nam vẫn chưa công bố chi tiết Điều lệ tổ chức hoạt động là cơ sở xem xét thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc ĐHCĐ hay HĐQT quyết định, đại diện vốn nhà nước...
Tại Đường sắt Hà Nội, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm sở hữu chi phối 89% vốn nên việc đầu tư các dự án lớn phải xin ý kiến, phê duyệt chủ trương đầu tư, phương án đầu tư dự án cụ thể từ cổ đông nhà nước.
Hiện, chưa rõ việc xin mua 160 toa xe cũ Trung Quốc có nằm trong danh mục 8 dự án đầu tư nêu trên hay không? Việc đầu tư mua sắm tài sản đã qua sử dụng, bị cấm nhập khẩu thì trách nhiệm thuộc về những người phê duyệt.
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý kỷ luật những cán bộ có liên quan do: Trái thẩm quyền trong việc làm văn bản gửi cơ quan nhà nước; không thực hiện đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ quan có liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Tiếp sau ông Nguyễn Viết Hiệp bị đề nghị thôi tư cách Người đại diện vốn và miễn nhiệm Tổng giám đốc thì còn những lãnh đạo nào sẽ bị xử lý nghiêm trong thương vụ mua tàu “đồng nát”?