Tỷ phú hàng không Tony Fernandes đang xem xét việc ra mắt một chi nhánh của AirAsia tại Campuchia, tiếp theo là Trung Quốc và Myanmar. Ông cho biết thêm, hiện hãng cũng đang tìm kiếm đối tác tại Campuchia.

"Tôi thích Campuchia, Trung Quốc và Myanmar," Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Tập đoàn AirAsia, trả lời phỏng vấn trên trang Nikkei Asian Review. 

Sau nhiều lần nỗ lực để thành lập hãng bay tại Việt Nam và thất bại , Fernandes cho biết, ông đã chuyển trọng tâm sang các nước khác trong khu vực.

Giám đốc AirAssia, ông Tony Fernandes

"Bây giờ tôi không có bất kỳ kế hoạch nào tại Việt Nam sau 3 lần thử. Chúng tôi không thể tìm được đối tác phù hợp. Tôi nghĩ hiện tại có quá nhiều hãng hàng không ở Việt Nam", ông Fenandes nói. 

Luật tại Campuchia không hạn chế quyền sở hữu nước ngoài trong ngành hàng không, nhưng yêu cầu đối với các hãng hàng không mới phải đầu tư tới 30 triệu Đô la trong 3 năm đầu tiên, ngoại trừ máy bay. Tuy nhiên, Campuchia hiện nay nổi lên như một địa điểm du lịch hấp dẫn đã thu hút nhiều hãng hàng không trên thế giới vào thị trường này, có 6 hãng hàng không của Trung Quốc đang có mặt tại đây.

Sự đông đúc các hãng bay được chứng minh bằng việc sân bay quốc tế Siem Reap của Campuchia là một trong những sân bay bận rộn nhất Đông Nam Á. Sân bay này đã đón khoảng ​​4,5 triệu hành khách vào năm ngoái đi khu phức hợp đền Angkor Wat - Di tích tôn giáo lớn nhất thế giới.

Về lâu dài, Fernandes cho biết, ông muốn AirAsia thành lập một hãng hàng không tại Trung Quốc, nơi ông coi là một nền kinh tế thân thiện với đầu tư nước ngoài. Thị trường này rất quan trọng đối với AirAsia, ghi nhận gần 20% doanh thu hàng năm từ các điểm đến Trung Quốc.

AirAsia cũng đang đẩy mạnh các kế hoạch để biến hãng vận tải của mình thành một công ty dẫn đầu về công nghệ. Ông cho biết AirAsia sẽ là một "hãng hàng không kỹ thuật số" vào quý đầu tiên của năm tới.

Tầm nhìn của ông bao gồm chuyển đổi nền tảng bán vé trực tuyến của AirAsia thành thị trường du lịch để biến công ty thành "Amazon của du lịch".

Bước đầu tiên là cho phép khách du lịch mua vé của các hãng vận tải đối thủ thông qua trang  AirAsia.com.

"Ngay cả hiện nay, không ai lên AirAsia.com để mua vé máy bay ngay lập tức", ông Fernandes nói.

"Họ chắc chắn sẽ so sánh giá vé trên một số trang web khác, do vậy, chúng tôi đang bảo những người này sẽ có thể so sánh giá vé ngay trên trang web của chúng tôi. Bước tiếp theo sẽ là đặt phòng khách sạn và các hoạt động du lịch khác trên cùng một trang web", ông Fernandes cho biết thêm.

Fernandes thừa nhận rằng các cổ đông nhỏ của AirAsia có thể không hoàn toàn ủng hộ giấc mơ kỹ thuật số của ông. Tuy nhiên, ông tin rằng hiệu suất tài chính dài hạn của công ty sẽ làm họ thay đổi suy nghĩ.

Tập đoàn AirAsia hiện đã có chi nhánh ở Indonesia và Thái Lan và một chi nhánh của Philippines trong năm tới. Vốn hóa thị trường của công ty này đang là 1,46 tỷ USD.

Theo Mộc Anh/Đô Thị Mới