Nêu giá gộp như Vietnam Airlines “không đảm bảo công khai, minh bạch”
“Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng không có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định phương thức nào là phù hợp pháp luật và phương thức nào là trái luật”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Vietjet nêu trong một văn bản vừa được hãng gửi đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng không.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng có một văn bản gửi Cục Quản lý giá và Cục Hàng không, đề nghị các cơ quan này yêu cầu các hãng hàng không trong nước thực hiện niêm yết giá vé “đúng quy định”. Việc “đúng quy định”, theo định nghĩa của Vietnam Airlines, là giá vé niêm yết phải đầy đủ, bao gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí.
Tuy nhiên, văn bản của Vietjet cho rằng, chính việc niêm yết giá vé máy bay bao gồm thuế, phí thành một mức giá gộp như Vietnam Airlines mới là không đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Dẫn Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá quy định giá niêm yết hàng hóa dịch vụ cần bao gồm đầy đủ các loại thuế phí và lệ phí nếu có, Vietjet phân tích, nghị định trên và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí, hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.
Theo Vietjet, các hãng hàng không đang áp dụng cả hai phương thức niêm yết giá nêu trên. Chẳng hạn, vé máy bay nội địa của Vietjet niêm yết trên website liệt kê đầy đủ các yếu tố gồm giá gốc của vé, tiền thuế, phí, dịch vụ kèm theo, tiền suất ăn, tiền đưa đón sân bay…
Trong khi đó, giá vé máy bay niêm yết trên website của Vietnam Airlines chỉ niêm yết một mức giá gộp, được cho là đã bao gồm các khoản thuế, phí, suất ăn…, nhưng lại không nêu rõ từng yếu tố cấu thành.
Vietjet nhấn mạnh, việc niêm yết vé theo phương thức net fare sẽ giúp hành khách thuộc mọi đối tượng có thể cân nhắc lựa chọn phạm vi dịch vụ và mức chi trả hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện thu nhập của mình khi đi máy bay.
Hiện tại, Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar Pacific (hãng hàng không do Vietnam Airlines sở hữu 68,85% vốn điều lệ) đang cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức net fare, tức là niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay của hãng. Chỉ có duy nhất Vietnam Airlines không niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành, khi hãng này dùng cách niêm yết giá gộp (gross fare).
“Vietnam Airlines kiến nghị các hãng hàng không khác phải áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp giống mình là điều không hợp lý, đồng thời thể hiện sự mâu thuẫn khi chính Jetstar Pacific do Vietnam Airlines sở hữu chi phối cũng không áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp như công ty mẹ Vietnam Airlnines”, văn bản của Vietjet nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bamboo Airways: Quan điểm của Vietjet là phù hợp
Được đề nghị cho biết quan điểm về vụ việc này, trả lời BizLIVE, ông Bùi Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách thương mại của Bamboo Airways bình luận: “Quan điểm về niêm yết giá vé máy bay của Vietjet là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay cũng như thông lệ quốc tế”.
Ông Dũng phân tích thêm, các quy định về hình thức, nội dung niêm yết giá vé do Chính phủ Việt Nam ban hành đang tương đồng với các điều ước quốc tế về hàng không hiện có, theo đó, không có sự ràng buộc cụ thể về phương thức niêm yết giá vé của các hãng hàng không, mà chỉ yêu cầu cần niêm yết giá cùng đầy đủ các thành phần cấu thành nên giá.
Do đó, việc đơn phương đề xuất bãi bỏ một thông lệ quốc tế lâu đời mà không hẳn đã xuất phát từ mục tiêu bảo vệ quyền lợi tối thượng của khách hàng, là một vấn đề cần được xem xét và bàn thảo kỹ lưỡng, lấy ý kiến toàn diện từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan và chuyên gia nghiên cứu độc lập, vị Phó Tổng giám đốc phụ trách thương mại của Bamboo Airways nói.