Nhắc tới quỹ Trò nghèo vùng cao là chúng ta nghĩ ngay tới tổ chức tiền thân của nó là chương trình Cơm có thịt, nơi “yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi”. Và để đồng hành tiếp nối các chương trình thiện nguyện, quỹ đã tổ chức “Giải bóng đá Cơm có thịt” theo các mùa nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hay những người yêu bóng đá có cơ hội giao lưu chia sẻ tình cảm của mình cho các em vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đi học thường xuyên hơn để có kết quả học tập tốt hơn.

Đúng như lời Tiến sỹ Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ: "Nếu bạn đồng hành cùng Cơm có thịt, thì đó chỉ là do mệnh lệnh từ trái tim của bạn".

Ngày 24/3, Giải bóng đá Cơm có thịt bước sang mùa thứ 3 với tên gọi “Giải bóng đá Cơm có thịt mùa xuân lần 3” được tổ chức tại sân Viettel 2, Nguyễn Lân, Thanh Xuân, Hà Nội. Lần này, giải quy tụ 8 đội bóng tham dự, trong đó có đội chủ nhà Cơm có thịt FC; Dret FC, một công ty về môi trường, người bạn thân thiết đồng hành cùng quỹ; đội Niên khóa 96-99, khóa phổ thông trung học 1981 Hà Nội; Học viện Tài chính; Vui vẻ FC; Học viện Kiến trúc; Học viện An ninh và đội Fairplay FC.

 Giải bóng đá Cơm có thịt mùa xuân lần 3 đã được tổ chức thành công

Ông Đặng Gia Mẫn, Giám đốc kỹ thuật, thành viên ban tổ chức của giải chia sẻ, quỹ đang xây dựng thành giải truyền thống. Cứ mỗi lần có giải chúng tôi lại có quà gửi cho các trẻ em nhỏ. Những người yêu bóng đá, những người làm thiện nguyện họ cũng rất vui vẻ và hưởng ứng hoạt động này nên cứ có tình nguyện viên là quỹ lại tổ chức cả giải mùa hè – thu – đông.

“Tôi vốn là giáo viên, lại là một cựu cầu thủ vô địch Quốc gia năm 1985, tôi cũng là một tình nguyện viên. Hoạt động xã hội này sẽ giúp chúng ta mang lại áo ấm cho trẻ vùng cao, bữa ăn có thịt, những lớp học, nhà bán trú khang trang,… nên bao giờ tôi cũng thấy ấm áp ở trong lòng”, ông Mẫn nói.

 Bình luận viên Quang Huy (áo đen bên tay trái) đến khai mạc giải đá bóng Cơm có thịt

Giải đá bóng được tổ chức theo hình thức mỗi đội tham gia sẽ góp tiền (tùy tâm) để tổ chức giải và số tiền này được gửi về Quỹ Trò nghèo vùng cao. Hiện nay, quỹ đang hỗ trợ bữa ăn Cơm có thịt cho khoảng 10.000 trẻ em ở các tỉnh miền núi và tính trung bình mỗi một tháng chi khoảng hơn 1 tỷ đồng.

“Chúng tôi hay có câu “anh có bóng đá, em có cơm thịt”, đây là một giải bóng đá mang tính chất thiện nguyện dành cho các đội bóng đến từ nhiều nơi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được tham gia đồng hành cùng tất cả mọi người. Tôi cũng mong hoạt đồng này sẽ được lan tỏa hơn nữa, kết nối được cộng đồng rộng lớn hơn nữa”, anh Nghĩa, thành viên Ban tổ chức chia sẻ.

 Các cầu thủ tranh đấu rất quyết liệt trong các trận đấu của giải 

Giải đấu cũng là cơ hội để những đội tham gia có cơ hội cọ sát, giao lưu nên mọi thành viên đều rất vui vẻ, hào hứng. Anh Bùi Xuân Anh, đội trưởng đội FC Vui vẻ nói: “Anh em FC Vui vẻ cũng đã thành lập được hơn 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia giải đấu nhằm ủng hộ các em vùng cao. Chúng tôi rất vui vì quỹ đang tổ chức ra những hoạt động như thế này để góp phần trao yêu thương, lan tỏa tới trái tim của tất cả mọi người”.

Còn đội Học viện Tài chính lại thấy: “Như chú Mẫn nói “chỉ có các em học trò vùng cao là thắng lớn”, giải này đội Học viện Tài chính góp được nhiều bữa Cơm có thịt và đứng đồng hạng 3 trên 8 đội tham dự giải. Chúc mừng giải đã thành công rực rỡ”.

 Khoảnh khắc ăn mừng của các cầu thủ trong giải khi đá bóng vào lưới đối thủ 

Trước đó quỹ đã tổ chức 2 giải đấu cho mùa 1, mùa 2. Giải đầu tiên các đội khuyên góp được hơn 100 triệu đồng, giải thứ 2 được hơn 50 triệu đồng và theo như Ban tổ chức nếu có nhiều đội tham gia hơn thì số tiền dành cho số trẻ em, học sinh, giáo viên, nhân dân vùng thiên tai, vùng gặp khó khăn đột xuất,… được giúp đỡ sẽ được nhân lên gấp đôi, gấp 3,…

 Hình ảnh Qũy Trò nghèo vùng cao

Ý nghĩa của giải bóng đá này chính là "yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi", cũng giống như lời kêu gọi của quỹ vẫn từng nêu, “hãy cùng chúng tôi chọn người - chọn nơi để thương, để yêu, để sẻ chia. Và đó là những em nhỏ vùng cao ngoan hiền, đang sống ở những nơi nghèo khó, giúp các em bớt chật vật hơn khi tới trường. Hãy cùng cảm nhận niềm vui, hạnh phúc với các em bằng những đóng góp nho nhỏ - ít thôi nhưng đều đặn. Yêu thương bao giờ cũng có đủ cho tất cả mọi người. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương mà chúng ta giữ mãi được cho mình.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới