Nếu không tăng giá chỉ còn cách dừng hoạt động
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy việc tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho DN vận tải, đặc biệt vận tải hành khách. Dù không mong muốn nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì các DN phải điều chỉnh tăng giá vé để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, việc tăng giá vé sẽ ảnh hưởng tới túi tiền và khiến hành khách thêm phần ngại đi xe.
Khách đã ít, lại còn tăng giá vé, nhưng không tăng không thể nào chịu nổi khi chi phí xăng dầu lên tới 40 - 50%. Chỉ còn cách dừng chạy mới không phải đau đầu vì bài toán thua lỗ. Nhiều hãng taxi cũng phản ánh lượng khách sau Tết âm lịch giảm mạnh 30%-40% nên không thể tăng giá cước.
Nhiều người do đi làm xa, di chuyển bằng ô tô cá nhân, giờ giá xăng quá cao cũng phải chuyển sang phương án đi xe máy hoặc các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, không phải nơi nào phương tiện công cộng cũng thuận tiện. Đi xe máy cả quãng đường đi về lên đến gần 100km mỗi ngày cũng là điều khá “đau đầu”.
Trước đó, từ ngày 10-3, Grab đã có thông báo tăng giá cước tất cả các dịch vụ để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Trong đó, GrabCar tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP HCM lên 29.000 đồng, xe 7 chỗ lên 34.000 đồng. Mỗi kilômet tiếp theo lên 10.000 đồng... Với GrabBike, tại Hà Nội, giá 2km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi kilômet sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP.HCM cũng tăng lên 12.500 đồng cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo...
Các siêu thị sẽ đồng loạt nhận yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp
Trong khi đó, tại một số cửa hàng thực phẩm, mặc dù các sản phẩm được điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% song giá bán thực tế đến tay người tiêu dùng hầu như không đổi bởi giá hàng hóa đã tăng. Các gia đình có con nhỏ còn đối mặt với nỗi lo sữa bột và sản phẩm dành riêng cho trẻ tăng giá. Giờ đi chợ, rau tăng 10.000 - 12.000 đồng/mớ hoặc một kg tùy loại, thịt, cá cũng được thông báo tăng thêm do cước vận chuyển tăng. Ví như ăn một bữa chả cá, cần nhiều hành, thìa là, nhưng để có được một bữa “no” rau thì người tiêu dùng chấp nhận giá rau gần bằng giá cá.
Bên cạnh đó, những mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng... giá đều đã nhích lên. Theo nhiều gia đình, mức chi tiêu cho mỗi bữa ăn gia đình đã tăng khoảng 50.000 -150.000 đồng so với trước. Trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do dịch Covid-19, việc giá cả leo thang khiến cuộc sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm. Cục Quản lý giá cho biết, sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Bộ Tài chính đề nghị các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, tăng giá bất hợp lý, trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.
Các DN bán lẻ cũng khẳng định, sẽ không có tình trạng giá cả tăng đột biến tại hệ thống các siêu thị. Hiện DN bán lẻ đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới. Với nguồn hàng dự trữ, DN đang nỗ lực để duy trì mức giá phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng.
Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành sẽ theo dõi sát biến động giá cả, cung cầu thị trường thế giới và trong nước để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành bình ổn giá phù hợp. Ban Chỉ đạo điều hành giá đã thống nhất một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá thì chưa xem xét điều chỉnh đến hết quý II-2022. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá. Tuy nhiên, được biết dự kiến khoảng cuối tháng 3-2021 các siêu thị sẽ đồng loạt nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ap-luc-gia-xang-len-gia-hang-hoa-khong-the-ha-nhiet-281680.html