PV: Cuối tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực từ 1/5/2017 và được kỳ vọng là có thể hạn chế được tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp có mối liên kết về sở hữu, quản trị… Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ có doanh nghiệp FDI mà ngay cả doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nghị định này. Thưa luật sư, ông đánh giá thế nào về tác động của Nghị định này tới nhóm doanh nghiệp trong nước?
Luật sư Lê Văn Hồi: Trước tiên cần thừa nhận rằng Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đánh dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá giao dịch liên kết tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Nghị định này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu về tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế, chống chuyển giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn tồn tại những quy định trong Nghị định này đang khiến cho doanh nghiệp bị “trói chân”, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong nước.
Thực tế, như tôi được biết thì có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản mỗi khi triển khai một dự án bất động sản đều thành lập công ty con (trong đó, công mẹ sở hữu trên 51% tổng vốn điều lệ) để trở thành chủ đầu tư của dự án mới triển khai. Tuy nhiên, khi mới thành lập thì những công ty con thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn nên buộc phải vay vốn thông qua công ty mẹ. Còn công ty mẹ đóng vai trò trung gian điều tiết nguốn vốn từ bên ngoài vào các công ty con và vấn đề bắt đầu phát sinh khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Khoản 3 điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm. Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này”. |
PV: Như luật sư vừa trao đổi, mô hình công ty bất động sản mẹ - con đang gặp nhiều vấn đề phát sinh từ quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Luật sư có thể giải thích rõ hơn về sự chi phối của quy định này tới việc sử dụng vốn của doanh nghiệp bất động sản?
Luật sư Lê Văn Hồi: Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thì “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Tại công văn số 1990/CT-TTHT ngày 15/01/2018 của Cục Thuế Hà Nội trả lời Công ty CP Robinson Department Store (Việt Nam) về chính sách thuế đã ghi nhận: “Chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của công ty (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập)” và “tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của công ty (hay còn gọi là chỉ số EBITDA) nhỏ hơn 0 thì toàn bộ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế của công ty không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.
Hiểu một cách đơn giản nhất thì là công ty A hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng, thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Lãi vay này không chỉ là lãi vay giữa các công ty có giao dịch liên kết mà còn được hiểu là tổng lãi vay từ tất cả các bên.
Như vậy, quy định này vô hình trung đẩy doanh nghiệp bất động sản hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con vào thế rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn bởi lẽ chỉ cần có chi phí lãi vay với bên liên kết là phải chịu sự điều chỉnh bởi quy định nêu trên. Thậm chí các công ty còn đứng trước nguy cơ toàn bộ chi phí lãi vay không được tính vào chi phí khi chỉ số EBITDA nhỏ hơn 0.
PV: Với quy định như vậy, dường như Nghị định 20 không chỉ là một giải pháp về hành lang pháp lý để ngăn ngừa hành vi chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam mà lại “trói chân” cả doanh nghiệp bất động sản trong nước. Vậy thưa luật sư, nên điều chỉnh thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển?
Luật sư Lê Văn Hồi: Quan điểm của tôi cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là chưa hợp lý. Bởi lẽ tất cả các chi phí đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Do đó, nếu như chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cần áp dụng linh hoạt hơn. Theo quan điểm cá nhân tôi thì có thể sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các thông tư hướng dẫn theo một, một số hướng dưới đây:
Thứ nhất, chi phí lãi vay bị khống chế trần chỉ áp dụng đối với chi phí lãi vay của doanh nghiệp với các bên liên kết, đối với lãi vay của bên độc lập không bị giới hạn trần chi phí lãi vay như quy định trên.
Thứ hai, chi phí lãi vay của từng kỳ nếu vượt quá trần 20% như quy định thì cho phép doanh nghiệp có thể điều chuyển sang kỳ tính thuế sau hoặc điều chuyển nội bộ giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết với nhau, đương nhiên điều kiện tiên quyết là chi phí lãi vay phải phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Mai Linh