Phòng thanh tra chuyển giá chỉ là “bình phong”?

Năm 2015, Tổng cục Thuế đã thành lập 5 phòng thanh tra giá chuyển nhượng (1 phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và 4 phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại 4 Cục Thuế lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương). Sự ra đời của bộ phận chuyên trách này nhằm chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra giá chuyển nhượng nói riêng và công tác quản lý giá chuyển nhượng nói chung để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và công tác thanh tra giá chuyển nhượng.

Nhưng từ đó đến nay, nhìn lại những vấn đề đang còn tồn tại trong chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, dường như vẫn chưa thấy rõ dấu ấn của Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng.

Không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế Việt Nam, song điều đáng quan ngại là vấn đề tránh thuế nói chung và chuyển giá nói riêng của nhiều doanh nghiệp FDI thời gian qua đã khiến ngân sách nhà nước thất thu quá lớn.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm có khoảng từ 40 - 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, chưa kể còn mở rộng quy mô kinh doanh.

Một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như TP.HCM, Bình Dương, tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50 - 60%. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm. Theo báo cáo gần đây nhất vào đầu năm 2018 của VCCI, có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017.

Tình trạng kê khai lỗ không cá biệt trong bất kỳ ngành nghề nào nhưng thường phổ biến ở các ngành nghề như chế biến chế tạo, sản xuất hàng may mặc, da giầy, sản xuất các mặt hàng gia dụng, bán lẻ, nước giải khát…

Theo thông tin của Cục thuế TP.HCM, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ. Một số báo cáo khác cho thấy, có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP.HCM có báo cáo tài chính lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi.

Điều này mâu thuẫn với thực tế khi xung quanh các doanh nghiệp nội địa thường được đánh giá có năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI cùng ngành. Đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ lũy kế đến mức âm vốn nhưng không ít doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phá sản, đóng cửa sản xuất?

Theo các chuyên gia về thuế, thủ đoạn của các công ty đa quốc gia là lợi dụng sự khác biệt trong chính sách thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và lợi dụng chế độ ưu đãi thuế của các quốc gia, vùng, miền để xây dựng và áp dụng một chính sách về giá giao dịch nội bộ trong tập đoàn.Đầu tiên, doanh nghiệp FDI thành lập công ty vỏ bọc, công ty không có hoạt động thực chất tại nơi này để chuyển giá, dẫn tới nguy cơ suy giảm nguồn thu của quốc gia nơi tạo ra lợi nhuận. Đây là thách thức lớn của các quốc gia cũng như ở Việt Nam.

Báo cáo tổng hợp của cơ quan thuế trong khoảng 5 đến 6 năm qua cho thấy đã có khoảng 1,5 tỷ USD số tiền giảm lỗ và số truy thu thuế là 10.000 tỷ đồng. Nhưng nhiều chuyên gia lại đặt câu hỏi liệu như vậy đã đủ chưa khi mà mỗi năm cơ quan chức năng chỉ thanh tra số ít doanh nghiệp. Nếu tăng số lượng doanh nghiệp bị thanh tra thì số tiền giảm lỗ và truy thu thuế có thể sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Nhưng tại sao ngành thuế không tăng cường nhân sự và công cụ để kiểm soát việc này? Mà lại chọn cách áp trần lãi suất theo Nghị định 20 cho doanh nghiệp trong khi thực trạngchuyển giáđa phần diễn ra ở các doanh nghiệp FDI nhưng luật này lại được phổ biến để áp dụng cho tất cả khiến doanh nghiệp nội địa bị dồn vào thế “trăm dâu lại đổ đầu tằm” (?).

Thậm chí, chủ một doanh nghiệp chia sẻ: “Việcáp trần lãi suất theo Nghị định 20 khiến những doanh nghiệp trong nước như chúng tôi cảm thấy người trong nhà đang bị bắt nạt, còn doanh nghiệp nước ngoài "ngang nhiên" chuyển giá thì ngành thuế không dám động tay”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico), quá trình thực thi của các cán bộ ngành Thuế đang có vấn đề, chưa làm dứt điểm, kiên quyết, đến nơi đến chốn. Điều này phải được sửa đổi, trong đó, không loại trừ cả vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Cuối cùng, việc xử phạt phải nặng và nghiêm, để đối tượng không dám tái phạm.

Ví dụ, tại Singapore, dù không quy định mức phạt cụ thể dành riêng cho hành vi chuyển giá nhưng mức phạt chung cho các vi phạm về thuế ở quốc gia này là từ 100 - 400% khoản thuế phải trả. Án phạt sẽ được áp dụng nếu đơn vị đóng thuế không có hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan việc điều tra chuyển giá.

Câu chuyện đại gia bất động sản Keangnam Vina là một ví dụ điển hình và báo động cho tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong những năm hoạt động tại Việt Nam, đại gia bất động sản Keangnam Vina đã dùng “chiêu” biến hoạt động kinh doanh từ chỗ doanh thu lớn thành lợi nhuận "âm" và nghiễm nhiên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với Việt Nam. Nhờ đó, hàng nghìn tỷ đồng thu được trên lãnh thổ Việt Nam được "cất cánh bay về Hàn Quốc".

Khách mua căn hộ từng khởi kiện chủ đầu tưp/tòa nhà Keangnam vì vi phạm trong sử dụng ngoại tệ...

Khách mua căn hộ từng khởi kiện chủ đầu tư tòa nhà Keangnam vì vi phạm trong sử dụng ngoại tệ...

Thuế chỉ "sờ" Keangnam Vina sau khi cư dân "biểu tình"!

Chuyện là, vào thời điểm 2013, Keangnam Vina, chủ đầu tư của tòa nhà cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ - Keangnam Landmark Tower (Hà Nội), đã báo lỗ liên tục sau 5 năm vào Việt Nam. Thậm chí, năm 2011, khi toà nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.000 tỷ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn.

Tuy nhiên hành vi chuyển giá mãi mới được phát hiện thông qua sự kiện Keangnam Vina dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho TP. Hà Nội vì… lỗ, trước áp lực đó, Keangnam Vina bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế. Từ đây, những mánh lới chuyển giá của chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam thời bấy giờ lần lượt được phơi bày…

Sau kết quả thanh tra, cơ quan thuế đã buộc Keangnam Vina phải thừa nhận hành vi chuyển giá và phải điều chỉnh giá lên đến 1.220 tỷ đồng. Không những vậy, Keangnam Vina còn bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 95,2 tỷ đồng do điều chỉnh lại lợi nhuận của giai đoạn 2007 - 2011.

Công ty Keangnam Vina là một công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc. Vào Việt Nam từ tháng 7/2007, Keangnam Vina ký hợp đồng chìa khóa trao tay với Công ty Keangnam Enterprise – một công ty con cùng thuộc tập đoàn Keangnam Hàn Quốc, làm tổng thầu EPC.

Tổng giá trị của hợp đồng lên đến 871 triệu USD. Vai trò của Keangnam Enterprise không chỉ khảo sát, thiết kế, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng dự án mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina.

Năm 2008, khoản phí tư vấn tài chính mà Keangnam Vina trả cho Keangnam Enterprise lên tới 30 triệu USD, phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay lên tới 20 triệu USD, chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư cũng lên đến vài triệu USD.

Do những khoản chi phí đó, Keangnam Vina liên tục báo lỗ và do vậy không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản lỗ này tất nhiên chuyển thành khoản lãi của Keangnam Enterprise ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Keangnam Enterprise chỉ phải nộp thuế nhà thầu cho Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh những “chiêu” đã áp dụng để biến hoạt động kinh doanh của công ty tuy doanh thu lớn nhưng lợi nhuận thì lại “âm” và nghiễm nhiên không phải nộp thuế thu nhập doanh với Việt Nam, Keangnam Vina còn có những động thái nhằm đối phó với khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc) - cũng là người anh em của Keangnam.

Mức lãi suất của khoản vay ban đầu được kê khai tới 12%/năm, cao hơn nhiều mức lãi suất vay USD của các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó, khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỷ đồng. Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự hạ thấp lãi suất xuống còn 5 - 7% nên đã không bị phạt vì hành vi chuyển giá.

Tuy nhiên, ngành thuế Việt Nam cũng... "không phải dạng vừa" khi đánh đậm vào chi tiết dự án ban đầu chỉ thiết kế hơn 40 tầng nhưng sau đó, đã được điều chỉnh nâng lên thành 72 tầng. Năm 2008, căn hộ tại đây được rao bán với mức giá mức cao kỷ lục, tới tận 3.000 USD/m2, tức khoảng 60 - 80 triệu đồng/m2 theo tỷ giá USD. Mỗi căn hộ tại đây được bán với giá 5 - 6 tỷ đồng, có căn tới 7 - 8 tỷ đồng! Trong 2 lĩnh vực kinh doanh thì lĩnh vực bán căn hộ cao cấp đã lãi lớn. Do đó, đoàn thanh tra xác định, chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC trên. Doanh thu bán căn hộ khoảng 3.500 tỷ đồng. Vì vậy, Keangnam Vina bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ là 95,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tận bây giờ Keangnam Vina vẫn chỉ là một trong số ít doanh nghiệp ngoại mà phía ngành Thuế “sờ tận tay, day tận trán”, và vẫn còn đó những doanh nghiệp nằm trong diện nghi ngờ chuyển giá mà ngành thuế vẫn chưa đụng vào.

Qua vụ việc này mới thấy rõ luật ngành Thuế của Việt Nam còn nhiều “lỗ hổng” để các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng. Cùng với đó là câu chuyện không ít doanh nghiệp FDI đang có dấu hiệu chuyển giá mà ngành Thuế vẫn chưa có hướng xử lý. Phải chăng, nên khoanh vùng đối tượng để thiết lập một thể chế quản lý khách quan công bằng và đảm bảo được nguồn thu ngân sách chính xác đến từng doanh nghiệp?

Xem ra việc vội vàngáp trần lãi vay theo Nghị định 20 cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết vẫn chưa giáng được "đòn chí mạng" vào doanh nghiệp ngoại chuyên chuyển giá, mà chỉ làm khó người nhà – doanh nghiệp nội.

 

Theo Reatimes.vn