Dự án BT bị Phó Thủ tướng “tuýt còi” – sai phạm và nghi vấn "ưu ái" của tỉnh Bắc Ninh
Nhìn lại hoạt động gần đây của Dabaco, có thể thấy công ty này có khá nhiều vụ việc xôn xao dư luận:
Đầu năm 2018, một số báo, trang tin điện tử có nhiều bài phản ánh việc UBND tỉnh Bắc Ninh sử dụng gần 100ha đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 (dài 1,39 km) tại thành phố Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT, gây bức xúc dư luận. Ngày 30/7/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ sự việc.
Sau chỉ đạo đó, tháng 10/2018 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc. Trong báo cáo kết quả kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra: Với việc tổng mức đầu tư lập lên tới hơn 663 tỷ, trong quá trình kiểm tra công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và chỉ ra việc tính toán một số chi phí còn chưa chuẩn xác như: một số hạng mục bị tính thừa là lãi vay, một số hạng mục trong chi phí xây lắp... Trong khi đó, một số hạng mục khác lại tính thiếu như một số công việc trong chi phí tư vấn đầu tư xây dựng... Theo tính toán lại của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, chi phí xây lắp thừa 5 tỷ đồng, chi phí lãi vay thừa hơn 1,8 tỷ đồng, chi phí dự phòng thừa 741 triệu đồng... Qua đó, việc tính lại tổng mức đầu tư sơ bộ đã giảm được hơn 8,1 tỷ đồng. Thông tin báo chí nêu đổi 100ha lấy 1,39 km đường tuy “chưa thực sự chính xác”. Lý do là tổng quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư chỉ là một phần trong tổng số 29,25 ha thuộc 2 dự án Khu đô thị Dabaco - Vạn An và dự án Khu đô thị Phong Khê, Phúc Xuyên.
Song về hai khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc hợp đồng ký với nhà đầu tư chưa nêu các thông tin cụ thể về diện tích, giá trị quỹ đất tương ứng dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư là chưa đúng quy định tại Thông tư 15/2016/BKHĐT và Thông tư 06/2016/BKHĐT.
Để đảm bảo nguyên tắc ngang giá, không để thất thoát tài sản của nhà nước, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh phải kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng diện tích khu đất, quỹ đất được bố trí để thanh toán cho dự án này. Trong hợp đồng phải nêu rõ diện tích khu đất, quỹ đất được bố trí để thanh toán cho nhà đầu tư.
Liên quan dự án này, dấu hiệu của sự ưu ái và bất thường khá rõ bởi vì theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, KĐT Vạn An nằm sát và ngay đầu tuyến đường H2, đoạn phía đường Kinh Dương Vương. Đồng thời đường H2 còn ôm trọn một phần dự án KĐT Phong Khê khiến nhiều người còn lầm tưởng đó là hạ tầng của 2 dự án KĐT chứ không phải là dự án BT.
Nói về vấn đề này, TS. Trần Thanh Hùng - chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, công tác tại trường Đại học Xây dựng cho rằng, Công ty CP Tập đoàn DABACO đạt "lợi kép" khi vừa có hạ tầng phục vụ 2 dự án KĐT vừa được tỉnh Bắc Ninh đối ứng thêm đất. "Theo quy định của Bộ Xây dựng, các KĐT phải có đạt đủ yêu cầu cơ sở hạ tầng điện, đường... thì mới được cấp phép.
Việc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cho dự án của mình là điều đương nhiên, địa phương không cần phải đối ứng đất. Nhưng quy định hiện nay chưa rõ vấn đề này nên doanh nghiệp vẫn có kẽ hở này để kiếm lợi" - ông Hùng cho biết. Theo ông Hùng, không thể trách doanh nghiệp trong tình huống này mà chỉ có đặt vấn đề với cơ quan quản lý địa phương, tại sao biết rõ mà vẫn chấp nhận?
Nhiều “lùm xùm” khác quanh các dự án của Dabaco
Tháng 3/2019, Dabaco đã bị Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh xử phạt và truy thu thuế hơn 400 triệu đồng. Cụ thuể, đơn vị này bị phạt số tiền 58,7 triệu đồng do vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Phạt 1,4 triệu đồng đối với hành vi khai sai các chỉ tiêu về doanh thu thuế giá trị gia tăng năm 2014, 2015.
Cùng với đó, Dabaco Việt Nam bị truy thu số tiền thuế gần 294 triệu đồng, trong đó truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 238 triệu đồng, thuế thu nhập cá nhân gần 56 triệu đồng.
Cơ quan thuế cũng yêu cầu Dabaco Việt Nam nộp số tiền chậm nộp tiền thuế hơn 47 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân phải nộp theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Nghị định 129/2013/NĐ-CP.
Một năm sau, tháng 3/2020, UBND tỉnh Phú Thọ lại ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Cty Dabaco) với số tiền 300 triệu đồng. Quyết định xử phạt nêu rõ: Cty Dabaco bị xử phạt vì không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm Dabaco tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông. Với vi phạm trên, công ty bị xử phạt 300 triệu đồng và buộc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trước đó, trong năm 2019, theo phản ánh của nhiều người dân thôn Văn Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh: Trong khoảng từ 5 - 6 năm nay, người dân nơi đây vô cùng bức xúc và bất bình trước thực trạng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc của phân gà, phân lợn do Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Dabaco (trực thuộc Cty Dabaco) xả ra môi trường. Nguồn nước tại kênh mương bên cạnh công ty luôn trong trạng thái đen kịt, đổi màu, biến dòng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trở thành “dòng kênh chết”.
Năm 2020, lại một vụ việc đình đám xảy ra sau Lễ ký kết hợp tác phát triển dự án khu đô thị Vườn Sen giữa CenLand và Dabaco Group diễn ra tại trụ sở Dabaco Group, số 35 đường Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh vào ngày 4/4/2019, với sự có mặt của ông Nguyễn Như So bắt tay ký kết. Tuy nhiên, nhiều khách hàng sau khi đặt cọc hàng trăm triệu đồng và ký Hợp đồng đặt mua thì mới biết, Dự án KĐT Vườn Sen thực tế không phải do CenLand và Dabaco Group làm chủ đầu tư mà chỉ là đơn vị môi giới, phân phối dự án. Hàng trăm khách hàng sau đó đã gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng. Điều lạ lùng là mặc dù Cenland và Dabaco cùng tổ chức những sự kiện truyền thông rầm rộ, thông tin trên nhiều cơ quan báo chí về hợp tác tại dự án Vườn Sen nhưng sau đó chính đại diện CenLand lại khẳng định, Tập đoàn Dabaco không hợp tác với CenLand tại dự án Vườn Sen?
Theo Báo Điện tử VietNamNet, ngay tại buổi đào tạo môi giới để ra quân bán hàng vào giữa năm 2019, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc dự án cũng khẳng định dự án Khu đô thị Vườn Sen được phát triển bởi chủ đầu tư CenLand và Dabaco. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, phía Tập đoàn Dabaco khẳng định thông tin Tập đoàn Dabaco hợp tác cùng CenLand làm đồng chủ sở hữu/chủ đầu tư dự án Vườn Sen là không đúng. Còn theo bà Hạnh – khách hàng tại dự án cho hay, qua các buổi trao đổi làm việc với trợ lý của Chủ tịch HĐQT CenGroup thì được biết Tập đoàn Dabaco chỉ đứng tên làm hình ảnh nhằm lấy uy tín với khách hàng ở dự án này và được “lại quả” 5% tổng giá trị dự án.
Cuối năm 2020, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 1384/QĐ-UBND về thanh tra toàn diện việc thực hiện dự án Khu thể thao, trường học, công trình công cộng Khu đô thị phường Đồng Kỵ (tên thương mại Khu đô thị Vườn Sen). Tuy nhiên đến nay, thông tin kết luận về việc thanh tra cũng như sự việc có liên quan đến công ty Dabaco vẫn là một dấu hỏi với dư luận.
Đại biểu Quốc hội, ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh bất lực trước xây dựng trái phép?
Năm 2017, trước thực trạng Khu đô thị Đền Đô, Tx. Từ Sơn (Bắc Ninh) có hàng loạt công trình xây dựng không phép, “băm nát” quy hoạch, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Như So là chủ đầu tư về sự việc này nhưng ông So cho đó là trách nhiệm của nhà quản lý.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam thừa nhận tình trạng quy hoạch khu đô thị Đền Đô hiện đã “nát bét” đến mức báo động nhưng lại cho biết: “Tỉnh Bắc Ninh giao cho chính quyền Thị xã Từ Sơn cấp phép, chứ Công ty không cấp phép mà chỉ duyệt quy hoạch. Khu đô thị hiện xây dựng rất lộn xộn, không đúng theo quy hoạch. Riêng mấy biệt thự to cao trong đó, có cái đúng, có cái không đúng phép. Tôi đã phản ánh nhiều, chính quyền không nghe, cứ để vậy, chúng tôi biết làm sao được. Chúng tôi không có nghĩa vụ gì cả, không có trách nhiệm gì cả. Chúng tôi đấu giá trúng thầu, cũng chỉ làm hạ tầng thuê thôi”.
Cách trả lời trên khiến dư luận rất thất vọng khi ông So vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng lại không có sự phối hợp tốt và phát huy vai trò trong giải quyết sự việc gây bức xúc vào thời điểm đó.
Một công ty tư nhân hai người ứng cử đại biểu Quốc hội
Trong danh sách niêm yết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Bắc Ninh, tại đơn vị bầu cử Số 3 gồm các huyện: Lương Tài, Gia Bình và Thuận Thành với số đại biểu Quốc hội được bầu 2 người, số người ứng cử 4 người nhưng có tới hai người đều thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam (Bắc Ninh).
Cụ thể, danh sách 4 người ứng cử gồm: 1-Bà Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1973, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 2- Bà Ngô Thị Bình, sinh năm 1984, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, 3- Ông Nguyễn Như So, sinh năm 1957, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, 4-ông Trịnh Đức Tới, sinh năm 1971, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nutreco thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bac-ninh-ung-cu-vien-dai-bieu-quoc-hoi-tung-bi-pho-thu-tuon-20201231000002109.html