Theo y học cổ truyền, đậu phụ vị ngọt, tính mát, vào 3 kinh Tỳ, Vị và Đại tràng.

Đậu phụ có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham.

Tương truyền, đậu phụ là do Lưu An, cháu của Hán Cao tổ Lưu Bang (Trung Quốc) phát minh ra và được ghi lại sớm nhất trong sách Hoài nam tử (thế kỷ 2 trước công nguyên). Các y thư cổ nổi tiếng như Bản thảo cương mục, Bản thảo cầu chân, Tuỳ tức cư ẩm thực phổ… đều ca ngợi và có những kiến giải đặc sắc về đậu phụ trên cả hai phương diện thực phẩm và dược phẩm.

 

Theo nghiên cứu hiện đại, đậu phụ không những giàu chất đạm với hệ số hấp thu cao mà còn chứa nhiều acid amin, các nguyên tố vi lượng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Bởi thế, các nhà dinh dưỡng học gọi đậu phụ là “thịt thực vật”. Hơn nữa, do không chứa cholesterol, thậm chí còn có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, đậu phụ quả thực là một trong những thực phẩm lý tưởng đối với những người bị cao huyết áp nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung.

Đối với những người bị bệnh cao huyết áp, đậu phụ không chỉ là thức ăn lý tưởng mà còn có ý nghĩa như một vị thuốc rất dễ được cơ thể chấp nhận. Nhưng chế biến sao để đậu phụ đạt được hiệu quả trị liệu cao nhất, lại vừa ngon miệng?

 

Sau đây là vài món ăn chế từ đậu phụ có tác dụng hỗ trợ phòng chống cao huyết áp của thực liệu học cổ truyền.

Bài 1:

Đậu phụ 300g

Nấm hương 30g

Măng tươi 30g

Rau cải 100g

Dầu thực vật, xì dầu, bột đao, nước dùng và gia vị vừa đủ.

Măng và nấm rửa sạch thái phiến; đậu phụ xắt thành khối vuông nhỏ rồi chần qua nước sôi, để ráo nước.

Đổ dầu thực vật vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho nấm hương, măng, đậu phụ, nước dùng, xì dầu và gia vị vào đun to lửa cho sôi rồi lại tiếp tục dùng lửa nhỏ đun lim dim cho đến khi đậu phụ ngấm gia vị, tiếp đó cho rau cải thái nhỏ và một chút bột đao vào, đảo nhẹ tay rồi bắc ra, dùng làm canh ăn hàng ngày.

Công dụng : bổ khí sinh tân, làm hạ mỡ máu, điều hoà huyết áp và chống ung thư, dùng cho người cơ thể suy nhược, tỳ vị hư yếu, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành và các bệnh ung thư.

 

 

 

Bài 2:

Đậu phụ 100g

Mộc nhĩ đen 15g

Dầu thực vật, hành, gừng tươi và gia vị vừa đủ.

Đậu phụ xắt thành những khối vuông nhỏ, mộc nhĩ ngâm nước và rửa sạch.

Đặt chảo lên bếp, đổ dầu thực vật vào và phi hành gừng cho thơm, tiếp đó cho đậu phụ và một lượng nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho cạn bớt nước rồi cho mộc nhĩ và gia vị cho vừa rồi dùng làm canh ăn.

Công dụng: Ích khí hoà trung, sinh tân nhuận táo, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp, vữa xơ động mạch, đau thắt ngực do thiểu năng tuần hoàn động mạch vành.

 

Bài 3:

Đậu phụ 200g

Giá đậu tương 250g

Cải canh 100g

Dầu thực vật và gia vị vừa đủ.

Giá đỗ và cải canh rửa sạch, cắt ngắn.

Đậu phụ xắt thành nhưng khối vuông nhỏ.

Đặt chảo lên bếp, phi hành cho thơm rồi cho giá đỗ vào đảo nhanh tay, chế thêm một lượng nước vừa đủ rồi đun to lửa cho sôi, tiếp tục cho đậu phụ và cải canh vào, chế đủ gia vị, vặn nhỏ lửa nấu cho chín rồi dùng làm canh ăn.

Công dụng: Kiện tỳ ích khí, thanh nhiệt giải độc, dùng thích hợp cho những người béo phì, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, đau thắt ngực, suy nhược cơ thể, tỳ vị hư yếu.

 

Bài 4:

Cua 500g

Đậu phụ 200g

Dầu thực vật, gừng tươi, xì dầu và gia vị vừa đủ.

Cua rửa sạch, bỏ mai, giã nát lọc lấy nước cốt.

Đậu phụ xắt thành những khối vuông nhỏ.

Đặt chảo lên bếp, phi hành và gừng cho thơm rồi đổ nước cua và đậu phụ vào, đun to lửa cho sôi, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn.

Công dụng: Thanh nhiệt hoạt huyết, dùng thích hợp cho những người béo bệu, cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, viêm gan, thưa xương, còi xương.

 

Bài 5:

Đậu phụ 200g

Nấm mỡ hoặc nấm rơm 100g

Tỏi 25g

Tôm nõn khô 25g.

Nước dùng, dầu vừng và gia vị vừa đủ.

Đậu phụ xắt miếng, nấm rửa sạch thái phiến, tỏi giã nát.

Cho đậu phụ, nấm, tôm và muối vào nồi nước dùng đun sôi vớt bọt, vặn nhỏ lửa đun kỹ rồi cho tỏi và gia vị vào, dùng làm canh ăn.

Công dụng: Bổ khí sinh tân, kiện tỳ ích vị, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh lý ung thư.

Ths. BS Hoàng Khánh Toàn

(Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

*Tựa đề bài do tòa soạn đặt

Theo Giadinh.net.vn