Không nên dùng thuốc ho vô tội vạ
Thuốc ho là loại tưởng như đơn giản nhưng nếu dùng không đúng cách cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với trẻ em. Hiện nay, thuốc ho, siro ho được bán tràn lan dễ mua dễ dùng càng khiến cho việc lạm dụng nó trở nên phổ biến.
Đã có rất nhiều trẻ nguy kịch khi dùng siro ho không phù hơp. Gần đây nhất là vụ việc cuối năm 2017, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhi 2 tháng tuổi đã tử vong sau khi được cha mẹ cho uống siro ho.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có những vụ việc lạm dụng thuốc ho và rất nguy hiểm. Năm 2015, ít nhất 13 người ở Pakistan đã thiệt mạng và nhiều người khác phải nhập viện sau khi uống phải thuốc ho chứa độc tính.
Còn ở Trung Quốc, hai cháu bé 2 tuổi và 6 tuổi cũng đã lâm vào tình trạng mê sảng, không ngồi vững vì uống liền 4 chai siro ho. Đây là loại của người lớn mẹ hai bé mua ở một cửa hàng xách tay uy tín để về trị ho cho con. Mẹ hai bé không biết điều này, chỉ được nghe là quảng cáo tốt cho người đang có triệu trứng ho nên mua về.
Ý kiến của chuyên gia
Nhiều loại thuốc ho thuộc nhóm OTC và được mua bán tự do không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, không phải cứ có thể tự dùng thì nó là một loại thuốc an toàn. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai về cách phân biệt các loại thuốc ho, để bố mẹ có thể tự dùng cho con an toàn nhất.
Thưa bác sĩ, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc ho khiến người dùng không biết chọn lựa như thế nào cho phù hợp. Xin bác sĩ chỉ cách phân biệt các loại thuốc ho và cách dùng phù hợp?
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng: Thuốc ho nói chung được chia thành 2 loại là Đông y và Tây y. Thuốc ho Đông y được chiết xuất từ các loại thảo dược và đa số lành tính. Tuy nhiên, một số loại chứa thảo dược không khuyến khích dùng cho trẻ nhỏ. Cha mẹ nên đọc kỹ thành phần trên nhãn để dùng cho phù hợp.
Đối với thuốc ho Tây y được chia làm 4 loại chính:
Nhóm thuốc ho ức chế hô hấp: Các loại thuốc ho ức chế hô hấp thường sẽ kén người dùng nhất bởi nó tác động mạnh đến trung tâm hô hấp và có tác động ngay tức thì. Thuốc ho loại này sẽ khiến trẻ ngủ li bì không ho ra được và đờm dãi sẽ đọng lại trong cổ. Thuốc sẽ có tác dụng khi trẻ uống thường xuyên nhưng nếu dừng thuốc thì lại ho tiếp và kết quả thì rất lâu khỏi.
Hơn nữa, các loại thuốc ho này đôi khi gây nguy hiểm cho bé. Ví dụ, thuốc ho chứa thành phần thuốc phiện, thuốc ho ức chế trung tâm ho. Đặc biệt những thuốc này không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi.
Nhóm thuốc ho long đờm: Có rất nhiều loại, với cơ chế hoạt động là làm loãng đờm để trẻ ho nhiều hơn, sau 3-5 ngày thì mới hết. Tuy nhiên, khi cho trẻ dùng loại này, nhiều cha mẹ lại rất phiền lòng vì thấy con ho nặng. Bản chất của thuốc ho long đờm rất tốt nhưng lại khó cho phụ huynh vì khó theo dõi xem bệnh có nặng hơn hay không.
Nhóm thuốc ho kháng histamin: Nhóm thuốc này hoạt động trên cơ chế làm cho đờm quánh lại. Tuy nhiên, loại này dùng phải thật chuẩn xác liều lượng, để đờm có thể giảm từ từ thì mới hiệu quả. Nếu dùng liều cao, đờm bị đặc lại trong họng trẻ có thể gây khó thở và thậm chí là tắc đường thở nguy hiểm tính mạng.
Nhóm hỗn hợp: Là loại trong đó gồm cả long đờm, kháng histamin và cả ức chế trung tâm hô hấp. Nhóm này đặc biệt không nên tự ý dùng mà phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ mới mong con dứt ho nhanh.
Vậy thưa bác sĩ, đối với các loại thuốc ho trên, cha mẹ nên chọn loại nào và theo những tiêu chí gì?
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng: Dù thuốc ho Đông y hay Tây y thì cũng không có loại nào là tốt nhất mà phù hợp theo từng loại ho và từng cơ địa của trẻ.
Với các loại thuốc ho Đông y, cha mẹ có thể xem thành phần trên nhãn để loại trừ những cây lá không hợp với con mình.
Còn đối với thuốc ho Tây y, tùy thuộc từng loại ho và từng loại công dụng của thuốc để chọn cho phù hợp. Cha mẹ nếu có thể đưa con đi khám thì bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp, còn nếu không phải theo dõi tình trạng của con sau khi uống thuốc.
Như vậy là cha mẹ hoàn toàn có thể tự mua dùng mà không cần đến đơn của bác sĩ, liệu không kê đơn mà dùng lâu dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng: Cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thuốc ho khi bé ho quá nhiều, đến mức mà đứa trẻ mệt mỏi và lả đi. Nhiều khi ho là một phản xạ tự nhiên, để tống đờm ra khỏi cơ thể. Nhiều phụ huynh quá lo lắng dù cơn ho của đứa trẻ không phải quá nặng. Nếu bố mẹ hiểu được điều này và chấp nhận để trẻ ho vài ngày rồi tự khỏi còn hơn là cho con uống thuốc ho. Hãy hạn chế thuốc ho hết mức có thể.
Còn nếu cha mẹ vẫn muốn dùng, nếu đứa trẻ ho nhẹ, vẫn ăn uống chơi đùa bình thường có thể tự mua cho con dùng. Tuy nhiên, chỉ nên cho con uống thuốc ho tại nhà tối đa 1 tuần. Nếu cháu không khỏi bệnh thì phải cho con đi thăm khám để điều trị bệnh kịp thời.
Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh tự làm thuốc ho cho con, bác sĩ có khuyến khích điều này?
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng: Như tôi đã nói ở trên, thuốc ho Đông y là loại lành tính và hầu hết trẻ đều hợp. Có một số loại cây lá không hợp với con mình thì cha mẹ không nên dùng.
Đối với vấn đề tự chế thuốc thì cha mẹ có thể tự làm thuốc ho Đông y. Tuy nhiên trong quá trình uống thuốc tự làm thì cũng phải theo dõi nếu trở nặng phải đưa đi khám.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!