Cấp cứu và chăm sóc các bệnh nhân nặng, kêu gọi các mạnh thường quân “tiếp viện” nhu yếu phẩm cho bệnh nhân, khẩu trang, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, viết sách… Tưởng chừng các công việc dường như đã chiếm gần hết quỹ thời gian của bác sỹ Hùng nhưng anh vẫn dành thời gian để “tuyên chiến” với những thông tin ảo trên mạng.
Mạng xã hội như là một con dao hai lưỡi
Nói về mạng xã hội, bác sỹ Hùng cho biết trước đây anh không dùng mạng xã hội. Nhưng rồi khi bước vào thế giới mạng, anh thấy mạng xã hội như là một con dao hai lưỡi. Những điều đứng đắn người ta học hỏi trên mạng cũng nhiều, nhưng các thông tin ảo, những “kiểu” chữa bệnh thiếu khoa học được người ta chia sẻ cũng lắm.
Năm 2014, fanpage Húng Ngò được thành lập với lời giới thiệu như một tuyên ngôn, nó định hình luôn phong cách chua ngoa, đanh đá cũng như mục đích của anh khi sử dụng mạng xã hội. Rằng: “Tôi cũng sắp già, nhưng hiện tại thì đang còn trẻ. Hắn tự nhận mình là kẻ đứng bên lề cuộc đời quan sát thế sự. Làm đười ươi chân nhân thỉnh thoảng gãi mông cười khành khạch. Luôn biết cách ứng dụng lý thuyết đám đông để sỉ nhục những tư tưởng cực đoan mà hắn cho là IS”.
Còn nhớ những năm trước, có nhiều những nhóm bài xích đến cực đoan những phương pháp điều trị theo khoa học, họ đề cao triết lý “thuận tự nhiên”, đến những nhóm anti vắc-xin, rồi sau này là nhóm chữa bệnh theo phương pháp thực dưỡng. Một mình bác sỹ Hùng “tuyên chiến” với cả nhóm này. Ban đầu, có những lúc cũng nản lòng, một bác sỹ Hùng bị “ném đá” vô tội vạ, một bác sỹ Tây y như anh bị cả nhóm chửi rủa… “Khẩu nghiệp” bao vây anh, cả những người thân của anh cũng chẳng yên trong sự bủa vây của cộng đồng mạng.
Thế nhưng lâu rồi cũng quen. Nghe chửi nhiều bỗng nhận ra từ những sâu cay ấy cũng có cái ngách để mình nhìn nhận, để mình tự trang bị “vũ khí” để chiến đấu lại. Và rõ ràng là anh đang làm một điều tốt, thế thì vì lý do gì phải dừng lại.
Và rồi một hai năm gần đây, bác sỹ Hùng tiếp tục “tuyên chiến” với một nhóm cá nhân những người bài xích đến cực đoan Tây y và đề cao phương pháp thực dưỡng. Với những cá nhân này, Tây y là “thuốc độc” còn thực dưỡng là một phương pháp chữa bệnh thần kỳ có thể chữa tất cả các bệnh nan y như tiểu đường, ung thư. Có lẽ sự quyết liệt với cái giọng đanh đá, chua ngoa cùng những phản biện đa chiều, có hệ thống và khoa học khiến nhóm thực dưỡng ấy đuối lý. Ít ai “được” như bác sỹ Hùng, chẳng phải là người trong giới showbiz nhưng có lẽ anh là bác sỹ duy nhất có hội… anti fan.
“Cuộc chiến” với những “fan” cuồng thực dưỡng của anh không hề dễ chịu. Bởi hàng ngày, hàng giờ anh đối diện với ánh mắt năn nỉ, tuyệt vọng của bệnh nhân… thực dưỡng. “Có người bệnh cũng thuộc tầng lớp có văn hóa, học cao phải cấp cứu vì bỏ điều trị đi ăn thực dưỡng. Cô bị ung thư vú mới giai đoạn 2, hạch di căn tại chỗ. Sau vài đợt điều trị, người bệnh tăng cân, toàn trạng khá ổn định. Nếu theo dõi thường xuyên thì có thể tiên lượng tốt được vài chục năm hoặc hơn. Sau đó có hẳn người vào tận nhà bảo bỏ điều trị đi, hóa chất xạ trị hại lắm. Đi ăn thực dưỡng muối vừng gạo lứt đi cho dứt bệnh.
Gần 2 năm sau người bệnh quay lại cấp cứu vì khó thở. Các bác sỹ chọc hút ra gần 1000ml dịch màng ngoài tim, xuất hiện ngay ổ di căn nhìn thấy được. Hỏi tại sao lại không đi viện, người bệnh bảo đau lắm nhưng “người ta” khuyên là phải kiên trì, cái khối nổi lên trên ngực ấy là khối u nó đang bị đẩy ra ngoài đấy. Rồi bảo bác sỹ cứu tôi với.
Thú thực, giờ thì bác sỹ biết phải cứu làm sao. Lúc này những người khuyên cô ấy ăn thực dưỡng lại biến mất, hoặc bảo nhau: do ăn sai, do tuyệt mệnh”, bác sỹ Hùng than thở. Anh quan điểm: “Bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị là một điều đáng tiếc. Người bệnh là người quyết định. Nhưng đi bơm thổi lan truyền những biện pháp vô căn cứ để người khác làm theo đó là tội ác”.
Bác sỹ Ngô Đức Hùng, khoa A9 BV Bạch Mai. |
Đối mặt với tin giả thời Covid-19
Những ngày đầu, khi Việt Nam mới bắt đầu bước vào cuộc chiến với Covid-19, thì ở trên facebook xuất hiện bài viết miêu tả bầu trời Vũ Hán mù mịt những khói do… đốt xác người bị dịch bệnh. Bài viết này thu được 982 like và 479 lượt share. Rồi, trong hàng loạt comment ở dưới chia sẻ sự sợ hãi cùng bấn loạn, có vài cái hả hê.
Sau đó, có một người đưa lại thông tin chính xác, đó là phân tích khí... nhiệt điện và sản xuất, và nói đây là tin giả. Nhưng bình luận đó chỉ có đúng 1 like. “Qua đó tôi thấy 1 điều rất hài hước rằng, có một số người chỉ thấy cái họ muốn thấy, bất kể tin đó là bịa đặt hay không. Giống một dạng tự sướng tinh thần vậy. Còn thêm một bộ phận thiếu hiểu biết và nhẹ dạ nữa, họ tin vào những gì số đông trên mạng đang chia sẻ, đang like”, bác sỹ Hùng nêu quan điểm.
Dù biết có thể có những người sẽ chẳng nghe, nhưng hơn bao giờ hết, bác sỹ Hùng vẫn muốn mọi người thật sáng suốt: “Vậy nên, share có trách nhiệm. Trong thời đại ai cũng là nhà khoa học và ai cũng là nhà chống dịch cõi mạng này, chúng ta chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì ngộ độc thông tin rồi”.
Có lẽ, tất cả điều trên là chưa hết với những câu chuyện chưa kể của Hùng, nhưng chừng đó cũng quá nhiều việc để Hùng ngày đêm sống và “chiến đấu”. Để làm được chừng ấy việc, với bác sỹ Hùng rất đơn giản, bởi anh luôn sống theo quan điểm của mình: Có thể không sống tốt, nhưng nhất định phải làm người tử tế.