Doanh nghiệp “thấm đòn” Covid-19
Đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Không ít dự báo được đưa ra nhưng chưa đánh giá hết được tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, công ty gần như không có khoản thu nào bởi các khách đặt tour, khách thuê xe tự lái đều hủy. Vận tải đường dài hay xe buýt cũng vắng khách, sau đó tạm dừng, trong khi công ty vẫn phải duy trì các chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí nhân công cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên. Ước tính trong mấy tháng qua, công ty đã thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19 do chỉ tập trung tại một số thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện nay, những thị trường này bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch. Chính điều này khiến chị Doãn Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMA cũng phải kêu trời. Chuyên hoạt động sản xuất hàng may mặc xuất sang Mỹ, hiện các hoạt động xuất khẩu tại công ty sang thị trường này đã phải dừng hoàn toàn do sự bùng phát của dịch bệnh. Doanh nghiệp của chị hiện đang hoạt động online cầm cự qua giai đoạn khó khăn để vực dậy sau đại dịch.
Lãnh đạo một công ty xây dựng có tiếng tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đã “thấm” mệt từ năm 2019 khi chính quyền các địa phương siết chặt thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, xét duyệt dự án thì nay khi dịch Covid-19 bùng phát, kế hoạch ra sản phẩm cũng bị ảnh hưởng khiến doanh nghiệp xây dựng càng khốn khổ hơn.
Theo vị lãnh đạo này, hiện gần một nửa lượng công nhân của công ty thất nghiệp, doanh thu sụt giảm trầm trọng. Đặc biệt, các khoản nợ từ những năm trước càng khó đòi hơn khi chủ đầu tư không bán được hàng, không có dòng tiền về để trả nợ.
Bà Hà Diệu Linh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Asean Window chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối các ngành hàng về cửa với 20 công ty thành viên cho biết, dù việc sản xuất, kinh doanh đình đốn nhưng do hàng đã đặt từ nước ngoài, đến thời gian nhập về theo hợp đồng vẫn phải nhập. Không nhập, nhà máy hủy hợp đồng và mất tiền cọc. Nhập về thì phải đóng thuế, phí đủ loại trong khi bán không ai mua. Chi phí mặt bằng, kho bãi, lãi vay ngân hàng, lương công nhân, bảo hiểm… bình quân một tháng doanh nghiệp này đang phải gánh lỗ tiền tỷ.
“Đến nay dù doanh thu giảm khoảng 80% nhưng toàn hệ thống chi phí mỗi tháng khoảng 8 tỷ đồng. Chúng tôi sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong ngành cửa hơn 10 năm nhưng chưa năm nào thấy kinh khủng như năm nay. Hiện mỗi tháng công ty phải bù lỗ khoảng 6 tỷ đồng”, bà Linh thở dài.
Nhanh chóng thực hiện cam kết bằng hành động
Chị Doãn Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMA mong mỏi thành phố có các giải pháp, hỗ trợ quyết liệt, có các bước, tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể, nhanh, đúng, trúng và kịp thời đến các doanh nghiệp.
“Công ty nhỏ lẻ như tôi thì chỉ được hỗ trợ lương tối thiểu 1.800.000 triệu đồng cho nhân viên ảnh hưởng bởi dịch bệnh chứ các chính sách khác như vay tín dụng, thuế, bảo hiểm không được hỗ trợ nhiều. Hiện tại, bên tôi đã và đang làm thủ tục để hưởng hỗ trợ. Chắc phải đợi thêm khoảng thời gian nữa để chờ xét duyệt và triển khai”, chị Mai cho biết.
Ông Lưu Hải Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải, doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và vừa mong muốn có những hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Thành phố Hà Nội hiện có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế, hiện doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được, mong thành phố ưu tiên, sử dụng hiệu quả các quỹ.
"Doanh nghiệp chúng tôi rất hoan nghênh nhưng cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng thực hiện những cam kết bằng hành động. Hiện nay tháng nào tôi vẫn phải trả lương bình thường và chúng tôi chưa thấy tín hiệu của việc hỗ trợ.
Ví dụ, khi tôi đề xuất ngân hàng được hoãn trả nợ, trả lãi trong thời gian tháng 4, 5, 6 nhưng với trường hợp như công ty tôi hoạt động về dược phẩm, câu trả lời của ngân hàng lại là công ty không nằm trong diện được hưởng. Giải quyết vấn đề đủ điều kiện là thế nào, thì chúng tôi chưa biết", ông Minh phản ánh.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đề xuất, cơ quan chức năng nên xác định doanh nghiệp nào cần vốn, công nghệ, mặt bằng hay logistics để hỗ trợ một cách cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục kiến nghị về việc giảm, giãn thuế trong năm 2020, không tính doanh thu khoản phí phục vụ, áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0% hoặc giảm 50%, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020. Cùng với đó, các doanh nghiệp mong ngành thuế có hướng dẫn cụ thể về việc tính thuế.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định thị trường sau đại dịch không hề giống trước khi xảy ra. Không phải chúng ta đang bấm nút tạm dừng và khi “play”, mọi thứ sẽ quay về như lúc đầu. Tình hình thay đổi, nhu cầu thay đổi, doanh nghiệp cần bình tĩnh xem xét để xây dựng phương án “tái sinh” chứ không chỉ đơn thuần là hồi phục.
“Tất cả những gói hỗ trợ, gói tín dụng, chính sách giãn, giảm thuế đều đã được công bố nhưng quan trọng nhất vẫn là cải cách hành chính, cải cách bộ máy, thực hiện các gói cứu trợ một cách công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng cần giải cứu và giảm thời gian, chi phí không tên cho doanh nghiệp đủ sức đứng dậy sau cơn bão”, ông Doanh nói.
Việc tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp là mối quan tâm đầu tiên của chính quyền TP Hà Nội. Lãnh đạo TP đã gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp và yêu cầu phải được thực hiện như mệnh lệnh trong thời chiến, để tìm ra một công thức “win – win” (cùng thắng) giữa doanh nghiệp và chính quyền, từ đó duy trì đà tăng trưởng, góp sức bật cho nền kinh tế.