Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Liên, 42 tuổi, hiện sống tại Ba Vì (Hà Nội), ngày mới tốt nghiệp đại học, vợ chồng chị đều quyết tâm bám trụ lại thành phố vì nghĩ ở đây có nhiều cơ hội phát triển. Sau nhiều năm tiết kiệm, ở nhà thuê, năm 2008, gia đình chị mua được một căn chung cư ở Thanh Xuân. Với mong muốn sống ở thành phố đến già nên chị vẫn ao ước có căn nhà tại đây. Sau vài năm, gia đình đổi được nhà chung cư xuống mặt đất. Khi đó, gia đình chị mua một miếng đất 63m2 tại quận Cầu Giấy với khoảng 1,5 tỷ đồng, rồi xây nhà 3 tầng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm Hà Nội ngày càng chật chội, những con đường ngày càng đông đúc, quận Cầu Giấy cũng lâm vào cảnh “một mảnh đất 5 người ở”. Đặc biệt, chị Liên cũng nhận thấy vận tốc đi từ nhà đến nơi làm việc của mình ngày càng bị chậm lại do dòng người ngày càng tăng trên đường. Con ngõ nhỏ nhà chị cũng trở thành lối đi cho mọi người mỗi khi đường lớn bên ngoài tắc nghẽn. Sáng, trưa, chiều, tối khu vực nhà chị không còn yên tĩnh nữa. Cộng thêm những ngôi nhà xung quanh sửa sang, xây dựng thành những khu trọ cho sinh viên, người lao động thuê khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, quá tải đường điện, đường mạng, mất nước mất điện không ít lần xảy ra.
Cuộc sống ở thành phố không còn hấp dẫn với gia đình chị khi lúc nào cũng quay cuồng với việc công ty, việc ở nhà và những ngột ngạt trên đường di chuyển. Dần dần, vợ chồng chị Liên chỉ còn muốn về nhà nghỉ ngơi sau giờ làm, ngại tụ tập bạn bè, không còn thích những chốn giải trí sôi động.
Nhận thấy đất nội thành và ngoại thành ngày càng có xu hướng tăng trong khi chất lượng sống ở ngoại thành cũng đang được đảm bảo không kém gì nội thành. Hơn nữa, ngoại thành Hà Nội có không gian yên bình, không khí trong lành, đảm bảo sức khoẻ, các con vẫn được đến học tại các trường có chất lượng không kém so với trong nội thành.Giữa năm 2018, gia đình chị Liên đã bán ngôi nhà 3 tầng đang ở, được gần 5 tỷ đồng, để mua một ngôi nhà rộng 180m2 ở ngoại thành với giá hơn 2 tỷ đồng, mua 2 căn hộ chung cư 70m2 và 80m2 với tổng gần 3 tỷ đồng ở lân cận để cho thuê.Ngoài ra, với số tiền tích cóp, gia đình chị mua một chiếc xe hơi để đi lại.
Trong hai căn hộ cho thuê, mỗi tháng gia đình chị thu về được hơn 10 triệu đồng để chi phí "nuôi xe" và dư tiền để gửi tiết kiệm. Từ ngày mua nhà ở ngoại thành, cuối tuần gia đình chị Liên có cuộc sống dễ chịu hơn, thực phẩm tươi ngon và sạch, đặc biệt là có thể mua rau trái của những người hàng xóm hái từ vườn, được ăn cá đánh bắt từ ao mang lên.
Mang câu chuyện của chị Liên kể cho anh Nguyễn Hải An, một nhân viên tư vấn bất động sản đã có kinh nghiệm chục năm, anh An cho rằng: “Đúng là vài năm trở lại đây, số lượng khách hàng muốn bán nhà nội thành để mua nhà ở khu vực ngoại thành tăng cao nhưng dù sao thì xu hướng này cũng diễn ra tương đối lặng lẽ nên chỉ dân trong nghề mới nhận ra. Thời gian gần đây, tôi cũng nhận được nhiều giao dịch bán nhà trong các khu phố, và nhu cầu tìm hiểu nhà chung cư, nhà đất nền của khách hàng ở các khu đô thị xa trung tâm cũng đang tăng nhiệt, đặc biệt là những người trung niên, những gia đình đã có contrưởng thành.Tôi nghĩ đây sẽ là quyết định khôn ngoan đối với họ khi bán nhà phố lúc đang có giá và đổi chỗ ở ra xa trung tâm, vừa được sống ở nơi dễ thở hơn mà đa số còn dư tiền sắm thêm xe ô tô để thuận tiện đi lại”.
Có thể nói, “ly tâm” dù đang manh nha nhưng nó phản ánh bước ngoặt lớn trong quan niệm về không gian sống của người dân. Đã đến lúc nhiều người đặt ra câu hỏi: Có nhất thiết phải bỏ rất nhiều tiền để đổi lấy một cuộc sống náo nhiệt, ồn ào, thậm chí là bụi bặm và thiếu ánh nắng mặt trời chỉ để sống ở nơi trung tâm?
An Yên (Ghi)