Bia là thức uống có cồn dùng để giải nhiệt và đôi khi bia còn là nơi thể hiện bản lĩnh, so tài thấp cao giữa những người đàn ông. Trong những ngày nắng nóng như vừa qua, nơi tụ tập đông người nhất không đâu khác chính là những hàng bia từ vỉa hè đến cửa hàng bia sang trọng.

Đối với cánh mày râu, bia từ lâu đã trở thành thức uống giải khát, giải nhiệt. Tuy nhiên, trên thực tế, khoa học đã chứng minh, bản chất của bia không hề có công dụng giải khát mà đôi khi nó còn làm tồn đọng thêm những loại chất có hại cho cơ thể nếu sử dụng quá nhiều.

Không nên uống quá nhiều bia rượu

Khuyến cáo mới đây từ Ủy ban về các chất gây ung thư Vương quốc Anh (CoC), mọi người không nên uống nhiều hơn 14 đơn vị mỗi tuần, tương đương 6 lon bia có độ mạnh trung bình một tuần để hạn chế nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác.

Tuy nhiên, cũng không nên uống dồn cả 14 đơn vị trong một hoặc 2 ngày mà phải chia ra trong ít nhất từ 3 ngày trở lên.

Người có 1 đến 2 lần uống bia/rượu quá độ mỗi tuần sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh mạn tính và tai nạn, thương tích.

Những loại bệnh mà bia có thể mang đến cho cơ thể chúng ta có thể kể đến: 

Hạ đường huyết

Uống bia với lượng vượt mức cho phép sẽ gây chướng bụng, đầy hơi làm cho người uống mất cảm giác đói, ăn ít hơn.

Lúc này, cơ thể sẽ tiêu thụ những năng lượng được dự trữ trong cơ thể, cộng thêm việc cồn có trong máu khiến dễ gây ra hạ đường huyết, triệu chứng: Chóng mặt, lạnh người, hạ huyết áp…

Mất cân bằng tiêu hóa

Bia được làm lạnh có nhiệt độ thấp hơn khá nhiều so với nhiệt độ trong cơ thể, trung bình là từ 20 - 30°C. Do đó, uống nhiều bia sẽ gây hạ nhiệt độ trong dạ dày và ruột non, điều này khiến cho lượng máu lưu thông giảm đi, gây ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa.

Suy nhược cơ thể

Chất cồn trong bia khi được hấp thụ quá nhiều vào cơ thể sẽ khiến cho hệ thần kinh mất kiểm soát, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và hậu quả là khiến cơ thể người uống bia sau khi tỉnh dậy cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng.

 

Bia rượu gây ra nhiều loại bệnh cho đường tiêu hóa, hệ bài tiết

Có nguy gây bục dạ dày

Đối với người có tiền sử bệnh dạ dày thì việc uống bia sẽ càng nguy hại hơn. Bia sẽ làm giảm màng kết dính trong dạ dày, gây ra những tổn thương nặng hơn cho cơ quan này. Hơn thế nữa, lượng axit tăng cao sẽ gây ra nguy cơ thủng dạ dày. 

Viêm tụy

Uống quá nhiều bia, kèm thêm ăn nhiều thịt khiến tuyến tụy hoạt động tăng cường, tạo ra nguy cơ viêm tuỵ cấp tính.

Đặc biệt với những người bị sỏi mật, uống bia sẽ tạo ra nguy cơ viêm tụy cấp tính. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong của bệnh viêm tụy cấp tính là trên 30%.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng: Đau lưng trái, đau vùng thượng vị, buồn nôn, chướng bụng… người bệnh cần dừng uống bia ngay và kiểm tra sức khỏe để phòng, chữa bệnh kịp thời. 

Xơ gan

Uống nhiều bia khiến chất cồn tích tụ trong cơ thể, khiến cho gan phải làm việc nhiều hơn để thải độc, biến cồn thành năng lượng hoặc chất thải rồi đưa ra ngoài.

Hoạt động quá sức của gan sẽ dẫn đến hậu quả là tế bào gan bị phá hủy. Gan suy yếu, bị nhiễm mỡ hoặc viêm gan có thể tạo ra hậu quả đáng tiếc như: Xơ gan, ung thư gan…

Cần lưu ý gì khi uống bia?

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng bia, rượu:

  • Không uống khi đói
  • Không uống bia khi họng có vấn đề
  • Không dùng đồ nhắm là đồ nướng hoặc hải sản
  • Không nên uống bia hàng ngày
  • Không nên uống quá nhiều hoặc uống đến khi say

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam