Không còn là những chiếc bánh mì kẹp được bán trên những chiếc xe đẩy nhỏ hay tại một quán ven đường mà giờ đây người ta thấy bánh mì được bán tại các chuỗi cửa hàng khang trang hơn. Những cái tên đình đám nhất phải kể đến đó là Bánh mì Minh Nhật, Bami King và Bami Bread.
Bánh mì Minh Nhật là thương hiệu bánh mì của vua đầu bếp Việt Nam 2014 Hoàng Minh Nhật với cửa hàng đầu tiên tại số 27 Nguyễn Du. Sau hai năm kinh doanh Minh Nhật đã có 20 điểm bán gồm 13 cửa hàng và 7 điểm bán tại các cụm rạp CGV toàn Hà Nội.
Bami Bread được biết đến với một tên gọi khác đó là: "Bánh mì Hội An" vì đây là loại bánh mì đặc biệt của Bami Bread với sự kết hợp và chế biến đúng với bánh mì hội An nguyên gốc.
Mỗi thương hiệu đều có những điểm mạnh khác nhau nhưng có một điểm chung đó là nhân bánh mì đa dạng nguyên liệu hơn, cách thức chế biến cũng cầu kì hơn, giá thành đắt hơn so với bánh mì "kiểu cũ", dao động từ 25-350000 đồng một chiếc.
Cuộc chiến giữa bánh mì "kiểu cũ" và "kiểu mới"
Từ khi bánh mì "kiểu mới" ra đời thị hiếu của người mua cũng thay đổi vì người tiêu dùng tin rằng các chuỗi cửa hàng có thương hiệu quy mô lớn hơn thì sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là an toàn về chất lượng vệ sinh thực phẩm so với bánh mì được bán trên vỉa hè.
Vua đầu bếp Việt Nam Minh Nhật đã từng có tuyên bố gây shock: "So sánh bánh mì của tôi với bánh mì lề đường là một sự so sánh quá khập khiễng".
Cô cũng từng chia sẻ với truyền thông rằng: " Hai cái không cùng hoạt động trên cùng một nền hệ thống. Nếu so sánh với lề đường, hôm nay người ta bán, ngày mai người ta nghỉ, họ không cần trách nhiệm, không cần uy tín. Còn khi mình xác định hệ thống chuỗi, là mình phải xác định làm và kiểm soát nó rất chặt".
Tuy nhiên một số người lại cho rằng dù các hãng bánh mì "kiểu mới" có đầu tư đến đâu thì cũng không thể mang lại hương vị truyền thống như bánh mì lề đường, bằng chứng là không ít các quán bánh mì trên các con phố lúc nào cũng đông nghẹt người mua.
Không phải ngẫu nhiên mà bánh mì kẹp của Việt Nam lại được trang du lịch Fodor’s Travel của Mỹ bình chọn là món ăn đường phố ngon nhất thế giới và được mệnh danh là hiện tượng “sandwich” khiến cả thế giới phải sùng mộ. Hơn nữa không thể phủ nhận rằng chính cách ăn "đường phố" đã mang lại một nét đặc trưng cho bánh mì Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Giá cả cũng là một yếu tố mà người dùng cân nhắc. Với tâm lý của người tiêu dùng từ xưa đến nay chỉ mua bánh mì kẹp với giá 10-15000 đồng thì dường như họ vẫn chưa quen với việc phải bỏ ra hơn 30000 đồng để mua một chiếc bánh mì.
Nhưng rõ ràng với chi phí đầu tư bỏ ra nhiều hơn thì việc các hãng bánh mì kiểu mới có giá cao hơn là điều dễ hiểu và nhiều khách hàng họ chấp nhận điều đó, người tiêu dùng tin rằng giá cao hơn thì chất lượng sẽ tốt hơn và đảm bảo hơn.
Câu chuyện về sự cạnh tranh giữa "cũ" và "mới" có lẽ đã không còn là một câu chuyện mới. Phải thừa nhận, khi các chuỗi cửa hàng bánh mì "kiểu mới" ra đời đã tạo sức ép cho các quán bánh mì "kiểu cũ" phải tự nâng cao chất lượng của mình hơn để cạnh tranh.
Bánh mì "kiểu mới" cũng đem lại nhiều sự sáng tạo về hương vị và có nhiều những dịch vụ ưu đãi giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn và dễ dàng đặt mua hơn. Tuy nhiên bánh mì "kiểu cũ" cũng có những nét dân dã, bình dị, gắn liền với hình ảnh Việt Nam trong suốt bao nhiêu năm qua.
Mỗi loại đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng kinh tế của khách hàng, nhưng dù ở khía cạnh nào thì điều tuyệt vời nhất của một món ăn đó không chỉ là ngon mà còn chứa đựng được cả một nền văn hóa. Hơn nữa, quan trọng hơn với người kinh doanh là lợi ích của khách hàng luôn luôn phải được đặt lên đầu.