Truyền thống ăn bánh Trung thu là nét đẹp trong văn hóa xưa nay của người Việt. Vì thế  trước lễ Trung thu cả tháng thì thị trường bánh Trung thu đã rất nhộn nhịp. Bánh Trung thu được bán khắp nơi, từ chợ thực phẩm cho đến các chợ trực tuyến, đủ các chủng loại từ đắt đến rẻ.

Trên các chợ mạng, các loại bánh Trung thu giá siêu rẻ được bán với giá chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng với đủ các loại nhân như trà sữa, trứng chảy, trứng muối… Thậm chí, nhiều nơi còn bán theo cân như rau củ quả ngoài chợ. Hình thức này chủ yếu dành cho dân buôn vì không được chọn vị hay chọn mẫu. Tất nhiên là những loại bánh này đều là hàng Trung Quốc, Đài Loan chứ không phải hàng Việt Nam.

Bánh Trung thu được bán trên chợ mạng rất nhiều

Chị H. – Một người bán bánh Trung thu online cho hay: “Bán cũng được nhiều nhưng năm nay không bằng năm ngoái. Chị bán tất cả các loại, hàng nào cũng có từ đắt đến rẻ, từ hàng nhập cho đến hàng Việt. Nhưng mà khách không thích đồ Trung Quốc đâu, phải nói là nội địa Trung hoặc Đài Loan thì họ sẽ mua nhiều hơn”.

Năm nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội và nhu cầu giảm hơn mọi năm. Nhưng chính vì vậy mà nguy cơ hàng lậu, hàng giả chất lượng kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe lại rất lớn.

Từ đầu tháng 7 âm lịch, liên tục rất nhiều vụ việc bánh Trung thu lậu bị triệt phá. Hầu như các con buôn nhập bánh Trung thu không rõ nguồn gốc từ cửa khẩu phía Bắc rồi sau đó đổ mối buôn ở Hà Nội và các tỉnh để kiếm lời. Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết sản phẩm các loại bánh đều không có hóa đơn chứng từ và không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Đơn cử ngày 7/8/2019, phòng cảnh sát môi trường phối hợp với phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra phát hiện khoảng 1 tấn bột làm bánh Trung thu và các loại thực phẩm khác không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 26/8, Đội Quản lý Thị trường số 1, Cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội phát hiện gần 6.000 sản phẩm bánh Trung thu, bánh trứng chảy... nhập lậu từ Trung Quốc. Ngày 29/8, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) kiểm tra kho hàng ở tổ 3, khu 3, phường Yết Kiêu, phát hiện và thu giữ 3.042 sản phẩm bánh kẹo trôi nổi bán dịp Tết Trung thu…

Liên tiếp các lô hàng bánh Trung thu lậu bị bắt giữ

Những lô hàng đó chủ yếu được đẩy cho các nhà buôn online, các chợ thực phẩm và tại các quán tạp hóa nhỏ lẻ. Để kiểm soát được hình thức buôn bán này không dễ dàng vì quá nhiều không kiểm tra được hết. Hình thức buôn bán vô vàn trên các trang mạng xã hội, không đăng ký kinh doanh, không thương hiệu…

Bên cạnh các loại bánh Trung thu có thương hiệu, trên thị trường còn có các loại bánh truyền thống của các cơ sở tư nhân hoặc rộ lên gần đây là những loại bánh Home-made được chị em nội trợ bán rất nhiều. Các loại bánh này cũng chưa có hình thức nào kiểm soát về chất lượng.

Các vụ ngộ độc bánh Trung thu không phải là hiếm. Năm 2015, đã có vụ việc hai mẹ con ở Hà Tĩnh ăn bánh Trung thu bị ngộ độc và 1 người tử vong, 1 người cấp cứu.

Năm 2019, BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cũng đã phải thu hồi sản phẩm bánh pía sầu riêng trứng tại một cửa hàng phân phối trên đường Lê Độ.

Bánh Pía sầu riêng trứng Sông Trăng bị phát hiện nhiễm khuẩn gây ngộ độc 

Do đó đến mùa Trung thu, vấn đề an toàn thực phẩm lại càng cần phải xem xét cẩn thận hơn. Đại diện cục quản lý thị trường Hà Nội thông tin, TP đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường bánh Trung thu trước và trong và sau ngày lễ. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở bán bánh Trung thu lớn và công bố minh bạch tên cơ sở, địa chỉ, các sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về phía người tiêu dùng, Cục khuyến cáo không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng; khi mua lưu ý kiểm tra nhãn mác và thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Bánh Trung thu cần được bán như một sản vật văn hóa

Theo khảo sát của PV, trên vỉa hè các tuyến phố, đến thời điểm hiện tại, nhiều ki-ốt bánh Trung thu dựng lên chào bán. Người mua tại các ki-ốt này cũng rất đông đúc do sự tiện lợi và dễ chọn lựa hàng theo hãng. Thế nhưng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì cần phải xem lại.

Cục ATTP khuyến cáo cụ thể trong NĐTT ngày 19/8/2020: “Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như:  Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất”.

Liệu những ki-ốt bánh Trung thu trên vỉa hè có thực sự đảm bảo yêu cầu trên hay không? Thông thường, những ki-ốt bày bán bánh Trung thu ở trên vỉa hè thường chọn chỗ người qua lại đông đúc như ven đường, vòng xuyến nhưng những địa điểm như vậy vô tình lại càng bụi bặm hơn. Một số ki-ốt bánh Trung thu lại đặt cạnh thùng rác công cộng, thậm chí còn ngay dưới công trình đang xây dựng. Bên cạnh an toàn vệ sinh thực phẩm còn phải tính đến an toàn tính mạng cho cả những người mua và người bán tại đây nữa.

Bàn về vấn đề về sinh thực phẩm tại các quầy bánh trên vỉa hè, TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho hay:

“Những quầy bánh Trung thu đặt ở chỗ không vệ sinh môi trường, hoặc tất cả các sản phẩm thực phẩm khác đặt ở vị trí không vệ sinh là không được. Cái bánh Trung thu không chỉ là một chiếc bánh để ăn mà còn mang ý nghĩa văn hóa. Người ta mua để biếu tặng, đặt trên bàn thờ để cúng thì mặt hàng đó càng phải bán chỗ đẹp đẽ và trân trọng. Chỗ bán không sạch đẹp sẽ không tương xứng với vai trò của nó và còn có khả năng nhiễm vi khuẩn. Nếu như vậy thì không nên mua ở đó vì nó thiếu tính văn hóa. Mua ở những chỗ không an toàn vệ sinh thực phẩm thì nó có còn là vật phẩm văn hóa truyền thống hay không?

Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm tra thị trường kiểm soát những ki-ốt bán hàng trên vỉa hè để đảm bảo đến ngày lễ Trung thu toàn dân đón Tết vui vẻ, mua được sản phẩm như ý. Nếu bán hàng nhỏ lẻ thì không bắt buộc, những cửa hàng của thương hiệu lớn thì chắc chắn phải đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Nhiều quầy bánh Trung thu dựng lên tại những chỗ không hề sạch sẽ

Luật sư Bùi Đình Ứng cũng đồng tình với ý kiến của TS. Vũ Duy Thịnh. Ông cho rằng, những ki-ốt bán bánh trên vỉa hè không chỉ cần phải kiểm tra đã được cấp phép dựng ở đó hay chưa mà còn phải kiểm tra chặt chẽ về an toàn thực phẩm.

“Bánh Trung thu là thứ người ta ăn vào bụng, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các ki-ốt đó đã đủ an toàn vệ sinh thực phẩm chưa? Bán cho cộng đồng mà phơi giữa đường giữa sá, có đảm bảo không tổn hại đến sức khỏe người mua không? Tôi ví dụ có những cửa hàng bánh dựng ở góc vườn hoa, gần thùng rác vô cùng ô nhiễm. Vấn đề đó rõ ràng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND xã phường chỉ chịu trách nhiệm quản lý trật tự đô thị thôi còn về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm họ không liên quan. Cái này thuộc quyền quản lý của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan này phải có trách nhiệm xem xét đánh giá có được phép bán ở vị trí đó hay không?”

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông tin, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè.

Đặc biệt, đợt kiểm tra này sẽ tập trung vào các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu. Nội dung kiểm tra chủ yếu gồm: Xuất xứ phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung  thu (vỏ bánh và nhân bánh); kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm bánh Trung thu, lấy mẫu giám định chất lượng. Khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Từ nay tới Rằm Trung thu, chắc chắn hoạt động mua bán bánh Trung thu sẽ diễn ra tấp nập, do đó rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, xem xét vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.


Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới