Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 3 đến 5 lần, bảo đảm nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch ứng phó nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhân viên siêu thị Lotte (quận Cầu Giấy) bổ sung hàng hóa vào quầy bán thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Quang

Hàng hóa dự trữ dồi dào

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail Nguyễn Thái Dũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BRG Retail đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại 47 điểm bán hàng trên toàn hệ thống. Riêng mặt hàng khẩu trang, BRG Retail đã ký kết với 10 nhà cung cấp nên hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ cho người tiêu dùng. “Ngoài dự trữ tại siêu thị, BRG Retail còn dự trữ hàng hóa tại 7 kho hàng. Trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục mở mới thêm nhiều điểm bán hàng, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trực tuyến để hạn chế tập trung đông người”, ông Nguyễn Thái Dũng nói.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông Đỗ Ngọc Khánh Chi thông tin, đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ trên toàn hệ thống siêu thị AEON tăng 1,5-2 lần. Với hệ thống nhà cung cấp khắp cả nước, trong bất kỳ trường hợp nào đơn vị cũng chủ động được nguồn cung hàng hóa.

Còn Giám đốc vùng khu vực Hà Nội hệ thống siêu thị VinMart Nguyễn Thị Hiền cho biết, tại Hà Nội doanh nghiệp có 52 siêu thị, 828 cửa hàng tiện ích, cùng 2 kho dự trữ hàng hóa với 1,4 triệu sản phẩm/ngày. Hiện, công ty đang dự trữ lượng hàng hóa tăng 5-10 lần so với bình thường. Đơn vị cam kết không tăng giá hàng hóa, thậm chí triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng dù chi phí vận chuyển tăng so với thời điểm không có dịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hiện hầu hết các đơn vị phân phối và chợ đầu mối đã chủ động dự trữ lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Giá trị lượng hàng hóa dự trữ trong một tháng là 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị hàng hóa tiêu dùng một tháng trong điều kiện bình thường. Việc dự trữ hàng hóa sẽ kéo dài trong các tháng 8, 9, 10-2020. “Tất cả hàng hóa phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được giá bình ổn từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2021”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Phạm Thanh Tú, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân cho biết: "Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng gia đình tôi không dự trữ nhiều thực phẩm như hồi có dịch đầu năm, vì được biết thành phố đã có sự chuẩn bị chu đáo, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa với giá cả ổn định cho người dân".

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19

Cùng với việc đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19. Theo phương án của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp phải chủ động phòng, chống dịch trên hệ thống bán hàng; điều tiết hàng hóa trong hệ thống, sẵn sàng mở thêm điểm bán hàng lưu động để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Trường hợp nhiều điểm bán trên một địa bàn phải ngừng kinh doanh, nhu cầu mua hàng tăng 50%-100% so với ngày thường, Sở sẽ điều phối giữa các đơn vị để hỗ trợ đưa hàng đến khu vực bị thiếu… Khi cần thiết, Sở sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội để điều chuyển hàng hóa đến khu vực thiếu hụt.

Thực hiện yêu cầu của Sở Công Thương Hà Nội, hiện toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã kích hoạt các phương án phòng, chống dịch. Theo bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, AEON Việt Nam đã xây dựng quy trình ứng phó với trường hợp có nhân viên, khách hàng, đối tác bị nhiễm Covid-19 theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Kể cả với kênh bán hàng trực tuyến, AEON Việt Nam cũng quy định rõ trong hợp đồng ký với đơn vị giao hàng chuyên nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm việc phòng dịch.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết, BRG Retail đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng các kịch bản ứng phó, trong đó tình huống xấu nhất là điểm bán của doanh nghiệp nằm trong vùng bị phong tỏa. “Chúng tôi đã làm việc với các địa phương để sẵn sàng triển khai địa điểm bán hàng lưu động, mở thêm kho dự trữ. Bên cạnh đó, phối hợp với đơn vị cung cấp hàng hóa điều động phương tiện vận chuyển khi cần”, ông Nguyễn Thái Dũng nói.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện UBND các quận, huyện, thị xã đã ký kết với các đơn vị phân phối, thành lập 2.156 điểm (nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao...) để mở thêm kho dự trữ và bán hàng lưu động khi cần. Liên quan đến vận chuyển hàng hóa, Sở kiến nghị Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội báo cáo với Chính phủ, có chỉ đạo chung đối với 63 tỉnh, thành phố về việc bảo đảm lưu thông hàng hóa phòng, chống dịch.

Theo Hà Nội Mới